Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Tấm lá chắn” cần phát huy
Sản phẩm còn hạn sử dụng nhưng bị mốc, hỏng, nhãn mác mờ. Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, kinh doanh gian dối, vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm... gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đã được bảo vệ bằng luật. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 1-7-2011, NTD nắm rõ nội dung văn bản pháp luật sẽ không còn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi có rắc rối xảy ra.
Khiếu nại đòi lại quyền lợi
Trường hợp của anh Lê Thanh Tùng (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) khi mua máy ép trái cây tại một siêu thị điện máy, mới sử dụng được hai lần thì hỏng, sau gần 2 tháng siêu thị này vẫn chưa bảo hành xong như đã cam kết. Anh đã phản hồi đến công ty và nơi này cử người đến kiểm tra sản phẩm sau đó xác nhận là do lỗi kỹ thuật và công ty đã đổi lại máy mới cho khách hàng. Trường hợp chị Trần Bích Loan (phường Chánh Nghĩa, TP.TDM) khi sử dụng nước cốt dâu tằm của Cơ sở sản xuất mứt T.N, có ngày sản xuất là 17-11-2011, hạn sử dụng sản phẩm bị dán giấy che khuất, khi gỡ ra xem thì thấy hạn sử dụng là tháng 6-2007. Chị cho rằng sản phẩm đã hết hạn gần 5 năm mà nhà sản xuất cố tình đóng lại ngày để bán nên đã khiếu nại đề nghị cơ sở sản xuất giải trình sự việc. Cơ sở này đã giải trình do in bao bì quá nhiều nên đã sử dụng bao bì cũ và dán ngày sản xuất, hạn sử dụng mới đè lên (?!) đồng thời công nhận thiếu sót, hủy toàn bộ bao bì cũ, in bao bì mới. Hay như trường hợp của Công ty TNHH TM-DV T.Đ (phường Phú Thọ, TP.TDM) khi mua gạch từ một công ty cổ phần ở huyện Bến Cát thì sản phẩm bị lỗi thấm nước không lau được, hóa đơn tài chính không được cung cấp đầy đủ. Sau khi gửi đơn khiếu nại tới Hội BVQLNTD, giữa hai bên đã tổ chức hòa giải thành, sản phẩm hư được đổi lại mẫu khác và hóa đơn, chứng từ được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu...
Những sản phẩm bán lẻ rất khó để khiếu nại vì không có hóa đơn, chứng từ... NTD nên “thông thái” để lựa chọn sản phẩm tốt nhất
Trên đây là 3 trong số nhiều trường hợp NTD đã nhận thức được quyền lợi trong việc khiếu nại đến cơ quan chức năng để giải quyết. Trước đây, mỗi khi gặp những trường hợp bất đắc dĩ về các sản phẩm hàng hóa, NTD thường ậm ờ cho qua vì không biết tố cáo, khiếu nại ở đâu. Nhưng một năm sau khi Luật BVQLNTD bắt đầu thực thi và đi vào cuộc sống, những hướng dẫn được cụ thể hóa từ văn bản pháp luật, tờ rơi, sổ tay, lớp tập huấn để dần đưa luật trở nên gần gũi với người dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Kể từ khi Luật BVQLNTD có hiệu lực, Hội BVQLNTD tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho các hội viên để phổ biến với NTD những quyền và nghĩa vụ cơ bản, thông tin nhận biết về nhãn, mác hàng hóa, tình hình hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, vận động NTD không sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nâng khả năng bảo vệ
mình tránh những thiệt hại khi mua sắm, sử dụng hàng hóa. 6 tháng đầu năm nay, hội tổ chức tuyên truyền được 539 cuộc với 15.743 lượt người tham dự và 1 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác BVQLNTD với 317 người tham dự. Cung cấp 5.618 quyển sổ tay tuyên truyền với các nội dung về pháp luật lao động, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm , 400 cuốn tài liệu hỏi đáp (gồm 24 câu hỏi) và photo 50 cuốn tạp chí NTD cho hội viên nhằm trang bị thêm nghiệp vụ, kiến thức để từng bước trở thành NTD thông thái.
Tuyên truyền cho hội viên của hội kết hợp với một số hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện, thị, TP.TDM những nội dung chủ chốt. Trong đó, công tác nghiệp vụ được thông qua một số nội dung cơ bản của luật, về 8 quyền lợi, 2 nghĩa vụ, 8 điều cấm và 4 cách giải quyết tranh chấp, đồng thời hướng dẫn cho NTD về nội dung và nơi gửi đơn khiếu nại. Trong vòng nửa năm, hội đã hòa giải thành 11 trường hợp trong công tác khiếu nại. Ngoài những khiếu nại có đơn trên, thường trực hội còn nhận được 4 thông tin báo qua điện thoại cung cấp về hành vi gian lận thương mại như trốn thuế, xăng bị pha tạp chất... (Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 53 vụ, phát hiện 22 vụ vi phạm)... Ngày 19-7 vừa qua, Hội BVQLNTD tỉnh Bình Dương vinh dự là một trong số ít đại biểu phát biểu tham luận tại buổi hội thảo “Nhìn lại một năm thực hiện Luật BVQLNTD” tại Hà Nội.
Hãy là NTD thông thái!
Theo Luật BVQLNTD, có 4 phương thức để NTD bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đó là thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Khi NTD bị thiệt hại sẽ tiến hành khiếu nại trực tiếp ở nơi mua hàng, yêu cầu giải quyết bằng hình thức thương lượng. Nếu nơi bán hàng trực tiếp không giải quyết thương lượng được thì NTD sẽ làm đơn gửi kèm toàn bộ hóa đơn mua hàng đến văn phòng khiếu nại của các chi hội tiêu chuẩn và BVQLNTD đặt ở các chi hội của 7 huyện, thị, thành phố hoặc trực
tiếp đến Văn phòng Hội BVQLNTD tỉnh khiếu nại. Các đơn vị này có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để giúp NTD đòi được đáp ứng các quyền lợi hợp pháp của mình hoặc sẽ tổ chức hòa giải. Theo ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh thì: “Khi thương lượng không thành, NTD có hai cách là điện thoại trực tiếp tới hội hoặc gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện chỉ những vụ thiệt hại lớn và phức tạp, NTD mới kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh ra tòa và phía DN có kinh nghiệm sẽ có cách ứng xử khôn ngoan với khách hàng của mình để tránh đối mặt với những vụ kiện gây ảnh hưởng đến thương hiệu”.
Cũng theo ông Bán, để Luật BVQLNTD thực sự hữu hiệu cần có sự kết hợp từ cả hai phía là người bán và người mua. Tuyên truyền đạo đức kinh doanh đối với DN và cách nhận biết hàng giả, hàng nhái đối với NTD là điều hết sức quan trọng. Đối với DN, đạo đức kinh doanh là sản xuất hàng bảo đảm chất lượng, đăng ký chất lượng (có số Tiêu chuẩn Việt Nam), có trách nhiệm về sản phẩm đối với NTD. Những DN vi phạm sẽ bị công khai tên trên báo, đài (từ cấp huyện tới cấp tỉnh). Ngoài ra, để bảo vệ sản phẩm của mình tránh bị làm giả, DN phải có biện pháp tự vệ như dùng biện pháp kỹ thuật, dán tem chống hàng giả, thông tin đến NTD cách phân biệt hàng thật, hàng giả, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa... Với tâm lý e ngại phiền toái của NTD khi bị thiệt hại, NTD nên “thông thái” hơn trong việc chọn sản phẩm: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lấy đủ hóa đơn, chứng từ, giấy bảo hành. Khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản NTD; hành vi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền NTD thì phải thông tin đến các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đó cũng chính là “văn minh tiêu dùng” đang cần được nhân rộng.
Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Bán:“Hội được phép hoạt động đặc thù”
“Trong số 41 tỉnh, thành có Hội BVQLNTD thì Bình Dương là một trong 5 tỉnh (Bình Dương, Cà Mau, Khánh Hòa, Tiền Giang, Đắc Lắc) được Nhà nước cho phép hoạt động đặc thù. Tức là, hội có kinh phí hoạt động, phụ cấp cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Vì vậy, về kinh phí hoạt động của hội đã được tỉnh giải quyết rất tốt. Điều quan trọng là các ban ngành liên quan cần tăng cường kết hợp, nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên để đưa Luật BVQLNTD thực sự trở nên gần gũi với người dân”.
LÊ THANH