Luật Báo chí cần bảo đảm hoạt động tác nghiệp của nhà báo

Chủ nhật, ngày 15/11/2015

(BDO)

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, tỉnh Cà Mau và tỉnh Phú Thọ thảo luận ở tổ, chiều 14-11. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự án Luật Báo chí sửa đổi nhận được nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ chiều 14-11, liên quan đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; đối tượng thành lập báo chí và những điều cấm thông tin trên báo chí.

Các ý kiến cũng bày tỏ ủng hộ, tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí theo hướng tiếp thu tinh thần của Hiến pháp 2013; xây dựng các cơ quan báo chí ngoài trách nhiệm lớn lao là diễn đàn, cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, báo chí còn phải có trách nhiệm xây dựng xã hội tốt đẹp, xây dựng đất nước ngày một phát triển.

“Nhà nước cần có cơ chế xử lý nghiêm minh, đảm bảo quyền hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Nhà báo là ngành nghề lao động rất vất vả và đầy rủi ro, lao động báo chí đòi hỏi sự dũng cảm, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng,” đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã nêu quan điểm như vậy khi góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Viện dẫn một thực tế của yêu cầu quy định về việc bảo vệ cho hoạt động tác nghiệp của các nhà báo ngay trong dự thảo luật lần này, đại biểu Khánh nhấn mạnh, nhiều nhà báo thực hành đúng trách nhiệm, quy định của pháp luật nhưng vẫn bị nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, thậm chí bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

Góp ý về quy định những nội dung và hành vi bị cấm thông tin trên báo chí, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị dự thảo cần bổ sung vào điều khoản cấm đăng tải những bài báo có tính bạo lực, kích động chém giết; hạn chế những thông tin tuyên truyền cổ súy hành vi dâm ô kích dục, thông tin chém giết, gây đổ máu, những vụ án rùng rợn, dã man, tàn bạo gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, tạo sự sợ hãi cho người dân.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Khánh, dự thảo nên quy định cụ thể hơn, hạn chế việc thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan.

“Báo chí cũng không nên thông tin về những vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp chưa rõ đúng sai bởi thông tin như vậy sẽ vô tình khích lệ những hành vi vi phạm pháp luật,” đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

Ủng hộ quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí, đại biểu Khánh tán thành đề xuất trong dự thảo: mọi công dân có quyền gửi tin, bài ảnh cho báo chí, nhưng bày tỏ thái độ không tán thành với quy định “mà không chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ tổ chức cá nhân nào” với lý do xây dựng luật như vậy dễn dẫn đến nguy cơ lợi dụng dân chủ xâm hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, đại biểu kiến nghị.

Buổi thảo luận cũng ghi nhận những ý kiến đồng tình của các đại biểu Quốc hội về việc sửa đổi Luật Báo chí trước bối cảnh bùng nổ quá nhiều tờ báo, tạp chí được ra đời và bên cạnh những bài báo có thông tin chất lượng tốt còn có nhiều nhiều bài báo chất lượng thông tin kém, gây phản cảm trong xã hội.

Các đại biểu cũng tán thành việc sắp xếp lại đầu mối chủ quản của các cơ quan báo chí theo hướng vẫn đảm bảo quản lý về mặt Nhà nước nhưng không hạn chế quyền tự do báo chí./.

Theo TTXVN