Lừa đảo trên mạng: “Gian hàng ảo” lừa tiền thật!
(BDO) Kỳ 2: “Gian hàng ảo” lừa tiền thật!
>>Kỳ 1: Cho vay tiền qua mua hàng trả góp
Hiện nay, chỉ cần lập một website hay một facebook thì ai cũng có thể tạo ra cho mình một gian hàng ảo để kinh doanh trên mạng.
Kinh doanh trên mạng, một hình thức kinh doanh khá phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Với lợi thế không cần mặt bằng, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả lâu dài… việc kinh doanh trên mạng đang mở ra cơ hội làm giàu cho bất cứ ai. Tuy vậy, kinh doanh trên mạng cũng có những mặt trái mà không thể lường trước những sự cố khi tham gia giao dịch.
Một trang facebook bán hàng online
Chủ hàng lừa khách!
Chị Nguyễn Thị T. T. là sinh viên Đại học Thủy Lợi, TX.Thuận An, Bình Dương chia sẻ với P.V: “Trong một lần dạo mạng, T., tình cờ phát hiện trang web www.iphonehot. net đang có chương trình tri ân khách hàng, giảm giá 60% toàn bộ các sản phẩm rao bán. Tin lời, chị T. xin tiền gia đình để mua toàn bộ sản phẩm bao gồm iPhone5 (16G), 1 máy ảnh Canon 600D; với tổng trị giá là 25 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản đại diện của trang Web, chờ đợi một thời gian chị T. nhận được 2 máy tính xách tay cũ do Trung Quốc sản xuất! Gọi điện phản ánh nhiều lần đến trang Web về việc không nhận được đúng lô hàng đã đặt mua thì chị T. đều được trả lời là “do gửi nhầm hàng” và hứa “sẽ đổi lại đúng mặt hàng trong thời gian sớm nhất” nhưng chờ đợi mãi cũng không thấy giao hàng như hứa hẹn. Biết mình bị lừa, chị T. đành gửi đơn tố cáo vụ việc đến cơ quan công an điều tra.
Khách lừa chủ hàng!
Một số đối tượng lừa đảo lại vào vai người mua hàng trên mạng; sau vài lần giao dịch thành công, tạo được uy tín nhất định đối với chủ gian hàng thì khách giở quẻ: “Nhận được hàng đã đặt mua nhưng không trả tiền như thỏa thuận”.
Điển hình như trường hợp của chị H., nhà ở phường Phú Lợi, TP.TDM đã bị đối tượng lừa một khoản tiền không nhỏ. Chị H. cho biết: “Trước đây, chị có một khách hàng tên Tâm ở tỉnh Bình Định thường đặt mua một số quần áo có giá trị từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng; sau vài lần giao dịch thành công, việc thanh toán tiền sòng phẳng và tạo dựng được lòng tin với chị thì Tâm đặt hàng với số lượng lớn hơn nhưng than “đang kẹt vốn” nên đề nghị chị H. gửi hàng ra Bình Định trước, tiền bạc sẽ thanh toán sau qua hình thức chuyển khoản. Tin tưởng mối làm ăn quen biết, chị H. vội đi thu gom hàng may mặc theo yêu cầu của khách và gửi ngay ra Bình Định theo địa chỉ mà Tâm cung cấp. Hàng gửi cho Tâm đã lâu nhưng đợi mãi chẳng thấy thanh toán tiền; chị H. sốt ruột gọi điện thoại nhắc đòi thì không liên lạc được và chị H. đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo này .
Chị T. và chị H. là một trong số ít nạn nhân của việc lừa đảo trên mạng đã có đơn thư tố cáo gửi đến cơ quan công an . Đa số các nạn nhân sau khi biết mình bị lừa đều bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lừa đảo, vì họ cho rằng số tiền bị lừa không nhiều, khi đi thưa kiện mất rất nhiều thời gian, công sức và gặp nhiều phiền phức. Biện pháp giải quyết nỗi ấm ức của các nạn nhân thường sử dụng là dạo qua các trang mạng xã hội, các diễn đàn để khuyến cáo mọi người không mua hàng ở các website, facebook hoặc forum lừa đảo đó nữa.
Theo luật sư Phạm Văn Đường (ảnh), Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Đạo - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh: Các đối tượng nêu trên đã có các dấu hiệu của tội lừa đảo được quy định tại Điều 139 - Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999. Việc lừa đảo trên mạng là loại tội phạm không mới nhưng hết sức tinh vi; thế nên, mọi người khi tham gia giao dịch mua bán trên mạng cần tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình, tránh để kẻ xấu lợi dụng mà “tiền mất tật mang”!
VŨ NGỌC HOÀNG