Lựa chọn tương lai
“Đất lành, chim đậu”, từ lao động phổ thông đến những người học cao, thậm chí du học nước ngoài về “vùng đất hứa” Bình Dương lập nghiệp đã tạo nên một bức tranh kinh tế - xã hội sinh động, đa sắc nhưng hòa quyện vào nhau cùng phát triển cho mảnh đất này. Đáp lại tấm lòng, nhiệt huyết của những người con vùng đất khác dành cho Bình Dương, tỉnh cũng luôn có những chính sách quan tâm, chăm lo để mỗi người an tâm gắn bó lâu dài.
(BDO)
Hạnh phúc từ quê hương thứ hai
Trước đây cũng như bao người con xa xứ khác, từ quê nhà miền Bắc xa xôi, anh Nguyễn Tài Tuệ chọn Bình Dương là điểm đến lập nghiệp với mong muốn đổi đời. Tại quê hương thứ hai, anh đã thành công với cương vị là quản lý nhà máy Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc. Hiện nay, cuộc sống của anh đã ổn định, nhà cửa khang trang, con cái được đi học đàng hoàng. Cứ như vậy, tết đến xuân về, gia đình anh lại được ăn tết ở 2 nơi Bình Dương - miền Bắc (nơi quê vợ và chồng). Anh Tuệ tâm sự, sau khi ra trường anh bôn ba nhiều nơi, cuối cùng anh quyết định chọn Bình Dương là điểm dừng chân. Được sống và làm việc trong một môi trường thuận lợi cộng thêm sự nỗ lực không ngừng của bản thân, anh đã thành công trên mảnh đất này. Công việc, cuộc sống ổn định, anh luôn cảm thấy hài lòng với quyết định chọn Bình Dương để lập nghiệp trước đây.
Anh Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc nhà máy sản xuất Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam tặng quà cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt
Nhắc đến anh Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc nhà máy sản xuất Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, ai cũng biết anh là một người con của mảnh đất Tây Ninh chọn Bình Dương lập nghiệp sau khi học thạc sĩ tại Thụy Sĩ. Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất mới, Bình Dương giờ đã thực sự là quê hương thứ hai của cả gia đình anh. Và đối với bản thân anh, việc “định cư” nơi đây cũng là cơ duyên, bởi suy nghĩ ban đầu của anh chỉ là đi làm một thời gian rồi quay lại quê hương để xây dựng cuộc sống lâu dài. Thế nhưng, trước những thuận lợi và cơ hội phát triển nơi vùng đất mới đã cho gia đình anh cũng như nhiều lao động xa quê khác một cuộc sống mới tốt đẹp hơn và bản thân anh luôn tự hào khi mình đã trở thành một công dân của Bình Dương. Anh Đạo bộc bạch, sau khi học xong Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, anh chọn công ty Nhật tại Bình Dương lập nghiệp. Sau đó, anh tiếp tục đăng ký học thạc sĩ và về làm cho Công ty Foster. Bình Dương là mảnh đất phát triển mạnh về công nghiệp, đó là môi trường tốt để anh có thể nâng cao tay nghề. Chính vì vậy anh gắn bó và coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Thực tế, với điều kiện làm việc thuận lợi, cùng mới môi trường sống dễ thích nghi, nhiều lao động ngoài tỉnh khi đến Bình Dương làm việc đều cảm thấy rất thoải mái và có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp hơn. Vì thế rất nhiều người, từ công nhân cho đến quản lý học cao, du học một số nước đều mong muốn được gắn bó lâu dài với vùng đất Bình Dương. Và những người lao động ngoài tỉnh từ mọi miền đất nước về đây tề tựu, hòa hợp xây dựng gia đình, xây dựng cơ đồ trên vùng đất mới.
“Mã Đà Sông Bé anh hùng tụ”
Với việc thu hút nhân tài đến với Bình Dương, đến nay, Bình Dương càng tự hào với câu nói “Mã Đà Sông Bé anh hùng tụ”. Mảnh đất đã làm nên những kỳ tích trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hôm nay. Và dù trong thời gian hoàn cảnh nào, truyền thống vẻ vang ấy luôn được các thế hệ người dân Bình Dương gìn giữ, hun đúc và phát huy. Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Bình Dương đã đi sớm, đi nhanh vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa được cụ thể hóa bằng chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Từ chủ trương đúng đắn đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, các nhà máy, xí nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, đồng thời kèm theo là các dòng người và đội ngũ nhân tài lần lượt tìm đến Bình Dương lao động, cống hiến và lập nghiệp.
“Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nên rất cần lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư cũng đồng nghĩa với thiếu lực lượng lao động có tay nghề, trình độ, chuyên môn, chính vì vậy tỉnh có những chính sách quan tâm, thu hút lao động ngoài tỉnh đến với Bình Dương. Bên cạnh tiếp tục chính sách chiêu hiền đãi sĩ, địa phương đang chuyển hướng sang đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực, bằng nhiều giải pháp lâu dài đầu tư cho con người”. (Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
Đến nay, Bình Dương có gần 1 triệu lao động ngoài tỉnh. Đây là lực lượng lao động dồi dào, từ lao động phổ thông cho đến bộ phận có tay nghề, trình độ chuyên môn phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc đa dạng của các doanh nghiệp. Chính điều này đã làm giảm bớt áp lực về nhu cầu lao động, đáp ứng cho phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh thời gian qua. Để đáp lại tình cảm, sự cống
Dương lập nghiệp, từ kinh nghiệm trong quá trình phát triển công nghiệp, khi thực hiện dự án, tỉnh đã quy hoạch xây dựng các khu dân cư - đô thị dành cho người dân tái định cư và người lao động nằm đan xen trong khu công nghiệp - dịch vụ. Cách làm này đã giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận với môi trường sống công nghiệp và được hưởng thụ những dịch vụ tiện ích của dự án. Bên cạnh đó những nhà ở xã hội cũng dần mọc lên đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người lao động. hiến của lao động các tỉnh đến với Bình
Tạo ra sự “an cư” và gắn kết quyền lợi giữa nhà đầu tư, người lao động với người dân tái định cư, tỉnh còn triển khai xây dựng các công trình tiện ích hiện đại như bệnh viện, trường học, các trung tâm dịch vụ, khu vui chơi giải trí văn hóa thể thao, dành cho người lao động. Các công trình phục vụ dân sinh đã phục vụ tốt nhu cầu sinh sống, làm việc và học tập cho con em người lao động nói riêng và cư dân vùng dự án nói chung. Vào những dịp lễ tết, tỉnh còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa như múa lân sư rồng, hội thi tiếng hát công nhân, hội thao người lao động… Cách làm này đã giúp cho người tái định cư và người lao động nhập cư có thêm niềm tin vào cuộc sống mới và cũng là dịp để họ giao lưu văn hóa các vùng miền và ngày càng sống hòa thuận và gắn bó với quê hương mới.
“Quê hương mình Bình Dương - đất lành chim đậu”, đã không còn là khẩu ngữ, mà đã có từ lâu đời, được tiếp tục hun đúc, kế thừa cho Bình Dương hôm nay và thành phố mới Bình Dương tương lai.
Tự hào khi chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai
Tiến sĩ Lương Thị Hồng Gấm: Yêu mến vùng đất, con người Bình Dương
Với cô Lương Thị Hồng Gấm, hiện là Phó trưởng phòng bảo đảm chất lượng trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một, Bình Dương là vùng đất lành để cô chọn phát triển sự nghiệp. Còn nhớ vào năm 2001, cô nữ sinh quê Lâm Đồng thực tập tại trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương (tiền thân của trường ĐH Thủ Dầu Một). Chính tình cảm của những thầy cô nơi đây đã níu chân cô, để rồi sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cô Gấm đã thi tuyển công chức và trúng tuyển vào trường. Với mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển của nhà trường, công tác tại trường một thời gian, cô Gấm đã đi học thạc sĩ, sau đó là tiến sĩ tại Úc, theo chương trình học bổng của Bộ Giáo dục - Đào tạo
Cô Gấm trở về trường ĐH Thủ Dầu Một đúng vào thời điểm trường đề ra mục tiêu xây dựng nhà trường phát triển thành trường ĐH định hướng ứng dụng chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực và theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực (AUN-QA) và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, cô Gấm là 1 trong 6 giảng viên phụ trách chương trình tập huấn nhằm phát triển năng lực của giảng viên. Đồng thời cô là người phụ trách chính tập huấn kỹ năng kiểm tra đánh giá cho giảng viên.
Chúng tôi tin rằng, với lòng nhiệt huyết và năng lực bản thân, cô Gấm sẽ góp sức mình để cùng xây dựng trường ĐH Thủ Dầu Một trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học và công nghệ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh và khu vực.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Minh: Nhiều lý do để cống hiến vì Bình Dương
Sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, quê ngoại ở Tây Ninh, nhưng Nguyễn Hoàng Minh (thường gọi là Nguyễn Minh) đã chọn Bình Dương là nơi mà tiến sĩ trẻ tuổi (SN 1986) gắn bó và làm việc lâu dài.
Nguyễn Minh đang là Huấn luyện viên thể lực cho đội tuyển Quần vợt Becamex Bình Dương và Trung tâm Đào tào quần vợt Becamex Bình Dương và còn là giảng viên Bộ môn Y sinh, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.Hồ Chí Minh với học vị tiến sĩ. Sau 12 năm được đào tạo bài bản ở nước ngoài (Trung Quốc) do chuyên gia đầu ngành của Khoa học Thể thao Trung Quốc hướng dẫn trực tiếp khi làm nghiên cứu sinh, Nguyễn Minh được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này hiện nay.
Khi về làm việc tại Bình Dương từ năm 2016, Nguyễn Minh đã xây dựng mô hình huấn luyện chu kỳ mới có đánh giá hiệu quả tập luyện, (kiểm tra thể lực định kỳ) giáo án và chương trình huấn luyện theo chu kỳ 3 tháng cho VĐV. Những đóng góp này đã góp phần giúp cho đội tuyển quần vợt và Trung tâm Đào tạo quần vợt Becamex Bình Dương liên tục gặt hái thành công với nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế của Lý Hoàng Nam, Nguyễn Văn Phương, cũng như đào tạo thêm được nhiều tài năng trẻ cho quần vợt tỉnh nhà và Việt Nam.
Nói về lý do chọn Bình Dương để xây dựng sự nghiệp, Nguyễn Minh cho rằng: “Bình Dương có môi trường làm việc rộng mở với nhiều thách thức và được tự do phát huy năng lực. Tiềm năng của địa phương khi thể thao luôn nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo, các ban, ngành và nhất là rất nhiều người hâm mộ quần vợt. Bản thân là một người yêu môn quần vợt, nơi đây tạo điều kiện cho mình làm việc mà có thể phát huy hết những gì mình đã được học, đào tạo và nghiên cứu thì mình sẽ cống hiến”.
Nguyễn Xuân Long: Tự hào khi sinh sống, làm việc tại Bình Dương
Đến với Công ty Gỗ Kaiser để phỏng vấn lãnh đạo công ty, chúng tôi vô cùng ấn tượng với anh Nguyễn Xuân Long, trợ lý giám đốc. Không chỉ là nhân viên xuất sắc anh còn là thông dịch viên của công ty với vốn ngoại ngữ chuẩn. Thế nhưng mấy ai biết được có được như ngày hôm nay anh phải nỗ lực rất nhiều.
Anh Long tâm sự, anh vốn là người con xứ Hà Tĩnh. Sau khi học xong THPT anh không chọn con đường vào đại học mà học nghề, sau đó đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Tại đây, anh làm công nhân rồi làm kỹ thuật cho công ty chuyên sản xuất đá hoa cương. Vừa làm, anh vừa học thêm ngoại ngữ nên chỉ sau 2 năm anh đã nói thành thạo tiếng Đài Loan và trở thành thông dịch viên giữa những người Việt và người quản lý là người Đài Loan trong công ty. Sau 5 năm hết hạn xuất khẩu anh được công ty giữ lại tiếp tục làm việc. Cơ hội đến với anh nhưng anh không chọn làm việc ở nước ngoài mà trở về nước để công tác. Với vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc của bản thân, anh xác định phải chọn địa phương phá t triển mạnh, nhiều doanh nghiệp Đài L oan để thử sức. Và Bình Dương là điểm đến lý tưởng, phù hợp để anh lựa chọn cho tương lai. Do đó, từ năm 2011 đến nay anh đã đến và làm việc tại Công ty Gỗ Kaiser.
Anh cho biết, bản thân không có bằng cấp cao nhưng với công ty nước ngoài họ không đòi hỏi bằng cấp mà kinh nghiệm và ngoại ngữ. Hai điều cần thiết đó anh có đủ nên tự tin trong công việc. Hiện nay, anh được đề bạt làm trợ lý giám đốc kiêm đội trưởng phòng cháy chữa cháy công ty.
Sau 6 năm làm việc tại Bình Dương, anh càng tự hào khi chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Công việc thuận lợi giờ anh đã có cuộc sống sung túc với nhà cửa khang trang, gia đình hạnh phúc. Và anh cũng tin chắc rằng những người con vùng đất khác cũng cảm thấy tự hào khi giờ đây mình có thêm một quê hương mới, một nơi phát triển và đầy đủ cơ hội cho bản thân trải nghiệm, thăng tiến.
NHÓM PV VH-XH
THIÊN LÝ