Lựa chọn sách giáo khoa mới: Bảo đảm đúng quy trình và tiến độ
(BDO) Theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, năm học 2023-2024, học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên cả nước sẽ học sách giáo khoa (SGK) mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 4, 8 và 11 sử dụng trong các cơ sở GDPT theo chương trình mới. Căn cứ danh mục này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tổ chức lựa chọn SGK phù hợp để triển khai chương trình GDPT 2018 áp dụng cho năm học mới.
Giáo viên trường TH Long Bình (huyện Bàu Bàng) tiến hành nghiên cứu các bộ SGK mới cho lớp 4
Nhanh chóng thực hiện
Thời điểm này, các trường TH, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã chính thức bắt tay vào công tác chọn SGK ngay khi nhận được thông báo. Theo đó, sau khi nhận thông báo, hướng dẫn từ Sở GD&ĐT, các trường sẽ cho giáo viên tham dự các buổi giới thiệu SGK từ các nhà xuất bản. Sau đó, hiệu trưởng các trường sẽ chỉ đạo và tổ chức cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét và lựa chọn SGK theo đúng quy định. Các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK của môn học các lớp 4, 8 và 11 đúng chuyên môn và theo tiêu chí lựa chọn SGK. Cuối cùng, các tổ chuyên môn sẽ tiến hành bỏ phiếu kín, lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học và báo cáo cho Ban Giám hiệu nhà trường danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.
Tại trường THPT Chuyên Hùng Vương, Ban Giám hiệu đã họp với tổ trưởng chuyên môn triển khai cho từng nhóm bộ môn, giáo viên nghiên cứu sách mới. Thầy Phạm Văn Tùng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hùng Vương, cho biết thời điểm hiện tại nhà trường đã nhận các bộ SGK mẫu và chỉ đạo cho các tổ bộ môn nghiên cứu và lựa chọn. Đây là năm thứ 2 bậc THPT tiến hành lựa chọn SGK mới nên phần nào giáo viên cũng đã quen với công việc. Dự kiến vào ngày 13-3, nhà trường tổ chức cuộc họp gồm Ban Giám hiệu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện hội cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất. Sau đó, trường lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, lập danh mục do nhà trường đề xuất lựa chọn SGK lớp 11 và báo cáo về Sở GD&ĐT.
Cô Lê Thị Kim Hương, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Chuyên Hùng Vương chia sẻ: “Từ năm ngoái tham gia lựa chọn SGK cho lớp 10 đến năm nay tới lớp 11, tôi nhận thấy mỗi đầu sách đều có ưu và nhược điểm riêng, song nhìn chung đều hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực sáng tạo của học sinh. Do đã có kinh nghiệm từ năm ngoái nên năm nay giáo viên chúng tôi đã dần quen hơn với tiến trình, cách thức lựa chọn”.
Những ngày này, giáo viên của trường TH Long Bình (huyện Bàu Bàng) cũng đang tất bật các công việc nghiên cứu và thực hiện chọn lựa SGK lớp 4 mới. Cô Nguyễn Thị Lưu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ngay khi nhận được công văn của Phòng GD&ĐT huyện, nhà trường đã triển khai cho giáo viên đọc, nghiên cứu và góp ý theo từng tổ chuyên môn đối với bản mẫu SGK lớp 4. Trên cơ sở ý kiến chung của tập thể, nhà trường tổng hợp và gửi về Phòng GD&ĐT trong tháng 3 này. Nhà trường cũng đã cử giáo viên tham dự các buổi hội thảo giới thiệu các bộ SGK của các nhà xuất bản. Sau đó, nhà trường sẽ tiến hành các công đoạn tiếp theo như hướng dẫn của sở và Phòng GD&ĐT”.
Bảo đảm tiến độ
Cùng với các tỉnh, thành của cả nước, đây là năm thứ 4 liên tiếp Bình Dương thực hiện công tác lựa chọn SGK cho chương trình GDPT năm 2018. Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, việc chọn SGK là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành GD&ĐT. Công tác lựa chọn SGK phải được thực hiện đúng theo Thông tư số 25/2020/ TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT và được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm các tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục. Hiện nay, các trường đã có bản mềm, các video giới thiệu sách và cả các quyển sách mẫu để trực tiếp tìm hiểu, đánh giá.
“Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3 này tất cả các địa phương, các cơ sở giáo dục phải hoàn thành việc lựa chọn SGK trình lên sở. Từ nhận xét của các giáo viên, tổ chuyên môn, các trường sẽ gửi lựa chọn của mình lên. Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh, sau đó sẽ ra quyết định lựa chọn SGK phù hợp. Sau khi có kết quả cuối cùng, sở sẽ thông tin kết quả lựa chọn SGK đến các nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy các khối lớp 4, 8 và 11 theo từng môn học”, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng nói.
Nhìn chung, qua nhiều năm tham gia lựa chọn SGK cho chương trình mới nên cán bộ, giáo viên đã quen, chủ động trong tiếp cận, nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung kiến thức, hình thức trình bày của các bộ sách. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, thời gian để nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK như hiện tại là quá ít. Vì thế, các nhà xuất bản cần chủ động có bản mẫu SGK sớm hơn để giáo viên có nhiều thời gian đọc, nghiên cứu.
HỒNG PHƯƠNG