Lựa chọn nghề phù hợp với năng lực
(BDO) Học sinh (HS) lớp 12 đang bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Nếu các em lựa chọn nghề nghiệp để học tập phù hợp với năng lực bản thân, thì đường tương lai sẽ rộng mở thênh thang. Hiểu mình, hiểu nghề, sáng tương lai, đó chính là thông điệp mà thầy cô luôn nhắc nhở các thí sinh trong mùa thi năm 2018 này.
Học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP.Thủ Dầu Một) trong giờ học nghề điện
Đến hết ngày 20-4 sẽ kết thúc thời gian đăng ký thi THPT quốc gia năm 2018, nhưng hiện tại hầu như HS lớp 12 ở các trường THPT đã hoàn tất phiếu đăng ký dự thi. Tuy các đơn vị chưa thống kê thông tin đăng ký dự thi của thí sinh, nhưng theo nhận xét chung của các trường, các em đã thận trọng chọn tổ hợp môn thi, chọn ngành học, bậc học phù hợp để đăng ký dự thi THPT quốc gia, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đó là do các em đã được thầy cô, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH tích cực tư vấn, hướng nghiệp từ nhiều tháng trước đó.
Còn nhớ, tại chương trình tư vấn “đưa trường đến thí sinh” do Sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã nhắc nhở, quan trọng nhất khi làm hồ sơ đăng ký dự thi là các em đăng ký chọn bài thi phù hợp với ngành nghề ở trường ĐH, CĐ đăng ký xét tuyển. Ngoài chọn ngành, các em cần chọn trường đăng ký xét tuyển phù hợp với lực học của bản thân. Ghi nhớ lời dặn này, thí sinh Cẩm Thúy, HS trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, em yêu thích ngành dược, nhưng học lực khá, e rằng khó vào được ĐH, em đã chọn học bậc cao đẳng để cơ hội học tập cao hơn. Cùng quan điểm với Thúy, em Nguyễn Minh Đức, HS trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) cho biết, em thích ngành công nghệ thông tin. Theo tìm hiểu của em, có nhiều trường đào tạo ngành này, nhưng qua nghiên cứu phổ điểm xét tuyển năm trước, em quyết định chọn trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ.
Thực tế cho thấy, cùng một ngành nhưng mỗi trường có phương thức xét tuyển khác nhau, vì chương trình đào tạo khác nhau, như chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo chất lượng cao. Do đó, chọn trường nào, các em cũng cần tính toán thật thấu đáo, thì cơ hội vào ĐH sẽ cao. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các thí sinh như vậy. Chọn ngành nghề theo học cũng cần xem xét nhu cầu của xã hội. Thời gian qua, có không ít trường hợp các em chọn ngành theo phong trào, vì thế sau khi tốt nghiệp khó tìm việc làm do cung vượt cầu. Vì vậy, có trường hợp sinh viên sau tốt nghiệp ĐH đã chọn công việc lao động chân tay, hoặc làm nhân viên bán sách để nuôi sống bản thân. Chia sẻ với chúng tôi trong việc lựa chọn con đường cho tương lai, em Nguyễn Thanh Tuấn, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cho biết, dù học lực khá, nhưng em không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, mà chọn học trung cấp. Vì theo kinh nghiệm của những người đi trước mà em đã tìm hiểu, học trung cấp thời gian học tập rút ngắn, cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn so với học ĐH.
Qua các mùa tuyển sinh cho thấy, bên cạnh những em sáng suốt lựa chọn ngành học theo năng lực, sự yêu thích, cũng có thí sinh chọn ngành theo truyền thống gia đình. Thực tế đã có nhiều em việc học dở dang vì trót lựa chọn ngành nghề không yêu thích. Định hướng tương lai khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời là dấu mốc quan trọng nhất của HS lớp 12 vào lúc này. Chính các em là người quyết định cuộc đời mình. Theo lịch đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018, đến ngày 20-4 sẽ kết thúc thời hạn nhận hồ sơ. Vẫn còn vài ngày nữa để các em đi đến quyết định cuối cùng cho con đường học tập ở phía trước.
A.SÁNG