Lựa chọn ngành dự thi 2013: Thí sinh đã biết nhìn xa trông rộng

Thứ ba, ngày 14/05/2013

   Các trường ĐH địa phương tư vấn cho từng học sinh cách chọn nghề phù hợp (ảnh chụp tại buổi tư vấn tuyển sinh ĐH năm 2012)

 Khối ngành kinh tế giảm

 Những năm gần đây, các khối ngành kinh tế, du lịch, công nghệ thông tin luôn đứng “top” đầu. Nhưng năm học này, theo thống kê của các sở GD-ĐT, HS ĐKDT vào các trường ĐH cũng đã thay đổi ít nhiều. ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận được gần 4.000 HS, trong khi năm ngoái con số này là 11.000 HS. Theo TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường thì lý do giảm có thể xu hướng của thí sinh chuyển về các trường ở khu vực, địa phương. Nguyên nhân thứ hai có thể do yếu tố khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng buộc nhiều tổ chức này phải tái cơ cấu.

Có thể thấy rõ, nhu cầu tuyển dụng về nhân sự phần nào đã tác động đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai. Số lượng HS giảm sẽ làm tăng cơ hội trúng tuyển của các em dự thi năm nay. Tuy nhiên, mặt tích cực ở đây là tự bản thân các em đã có sự phân hóa về mặt chất lượng. Mọi năm trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vẫn nằm trong top trường có điểm chuẩn cao, với các em đăng ký thi vào trường thì chắc chắn đã cân nhắc đến năng lực của mình. Được biết, tổng chỉ tiêu của trường là 1.900.

Thống kê của ĐH Kinh tế TP.HCM cho thấy năm nay trường nhận được 11.654 HS, giảm 6.000 HS so với năm ngoái nhưng tổng chỉ tiêu của trường vẫn là 4.000.

ĐH Quốc gia TP.HCM nhận được 64.506 tương đương với năm 2012, trong đó trường ĐH Kinh tế - Luật có số HS giảm nhiều nhất là 2.755 HS so với năm 2012, tổng cộng trường chỉ có 9.545 HS. Hai trường kế đến có HS giảm nhẹ là ĐH Khoa học Tự nhiên có tổng số 17.390 HS (giảm hơn 500) và ĐH Quốc tế với 3.908 HS (giảm hơn 130).

Em Huỳnh Quốc Thái, học sinh trường THPT Dĩ An cho biết: Em quyết định chọn thi vào khoa cơ khí ĐH Sư phạm Kỹ thuật mặc dù lúc đầu em định thi vào ngành quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế TP.HCM. Mặc dù em rất thích ngành quản trị kinh doanh nhưng theo em được biết, học ngành này khi ra trường sẽ khó xin việc nên lại thôi.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết: “Hàng năm, sở đều phối hợp với các trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhưng phần lớn các em đều quan tâm đến khối ngành kinh tế. Do vậy, hầu như các ngành thuộc khối kinh tế trong những năm gần đây đều thừa thí sinh...”.

ĐH vùng hút thí sinh

Theo đánh giá của đại diện nhiều sở GD-ÐT, nguyên nhân số HS đăng ký dự thi năm nay có xu hướng giảm chủ yếu do các tỉnh thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp tuyển sinh, giúp học sinh và phụ huynh tự đánh giá khả năng học tập của mình và con em mình, từ đó có sự lựa chọn ĐKDT phù hợp. Theo bà Dương Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Dương, các trường trên địa bàn tỉnh, gần nhà cũng là lựa chọn của nhiều thí sinh. Năm 2013, Bình Dương có tổng số 15.125 HS ĐKDT thì có tới 5.530 HS dự thi vào trường Đại học Thủ Dầu Một.

Phần lớn các em chọn thi vào các trường địa phương vì điều kiện gần nhà, thuận tiện đi lại, tiết kiệm chi phí… Trong những năm gần đây, cứ đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ là các trường ĐH ở Bình Dương lại tổ chức những buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đến tận các trường THPT, kể cả những trường ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ngay từ đầu tháng 2-2013, các trường ĐH như: ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Quốc tế Miền Đông và ĐH Thủ Dầu Một đã triển khai chia nhóm, đưa nhiều đoàn làm tư vấn tuyển sinh về tất cả các trường THPT trong tỉnh. Tại đây, các trường ĐH kết hợp với các trường THPT tổ chức các buổi tư vấn miễn phí về ngành nghề, phát tờ rơi giới thiệu các khối ngành của nhà trường, cơ hội việc làm sau khi ra trường, nhu cầu nhân lực của xã hội, giải đáp những thắc mắc về điểm sàn, điểm thi của từng ngành cho thí sinh...

Theo tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Thủ Dầu Một thì: Các trường ĐH địa phương trước hết phải phục vụ nguồn nhân lực cho địa phương. Trường ĐH Thủ Dầu Một là một trong những trường đào tạo nguồn nhân lực chính cho tỉnh Bình Dương. Theo tôi thấy, nếu các em có lực học trung bình thì thi vào những trường lớn sẽ rất khó khăn. Trong khi các trường ĐH địa phương lại luôn mở rộng cửa. Trường ĐH Thủ Dầu Một không chạy theo số lượng sinh viên mà đáp ứng nhu cầu của nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT trong vùng, nhất là những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong điều kiện học sinh là người Bình Dương thì việc học được ở một trường có chất lượng đào tạo tốt, chi phí thấp, gần nhà... là rất cần thiết. Chính vì lẽ đó, các em hãy cứ yên tâm thi vào các trường ĐH trong vùng để theo học và trở thành những người có năng lực phục vụ cho tỉnh nhà.

Ông Đặng Thành Sang cho rằng: “Năm nay, số hồ sơ khối ngành kinh tế, ngoại thương, marketing có xu hướng giảm, khối ngành y - dược, sư phạm, nông lâm, công nghệ thông tin... được coi phù hợp với nhu cầu việc làm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội địa phương nên có xu hướng tăng. Có thể lý giải lý do lượng HS giảm mạnh đối với các ngành khối kinh tế, tài chính là do phụ huynh và thí sinh đã biết nhìn xa trông rộng. Qua đó cho thấy, việc thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp tuyển sinh trong thời gian qua phần nào đã tác động đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai. Xu hướng chọn ngành, nghề của thí sinh thay đổi cũng là điều phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương cần phối hợp với các trường tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp đến từng học sinh để các em có cách nhìn khách quan và tích cực hơn với những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu”.

 NGỌC THANH