Lựa chọn dầu dưỡng tối ưu dành cho nàng da dầu trong mùa đông

Thứ hai, ngày 12/12/2016

(BDO)  Nàng da dầu nên chọn loại dầu dưỡng thế nào, hãy tham khảo những kim chỉ nam dưới đây nhé!

Nếu những bạn da dầu còn đang băn khoăn, không biết có nên sử dụng dầu dưỡng không, và nên chọn loại dầu dưỡng nào, thì hãy cùng chúng tôi tham khảo một số loại dầu dưỡng dành riêng cho da dầu nhé.

Trong chu trình dưỡng da cơ bản dành cho những cô nàng sở hữu làn da dầu dành riêng mùa đông, có nhắc đến việc sử dụng dầu dưỡng sau kem dưỡng ẩm để tăng hiệu quả dưỡng da. Thậm chí dầu dưỡng da còn được sử dụng thay cho kem dưỡng ẩm. Nếu các nàng vẫn còn băn khoăn không biết lựa chọn dầu dưỡng nào, thì hãy cùng xem danh sách gợi ý sau của chúng tôi nhé. 

1. Dầu chanh leo (Maracuja/passion fruit oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 1

- Tỷ lệ Lioleic: 77%

- Tỷ lệ Oleic: 10%

Dầu chanh leo có kết cấu lỏng, chỉ đặc hơn nước một chút, màu vàng nhạt. Dầu có hàm lượng Lioleic cao lên đến 77%, ngoài ra còn cung cấp cho da hàm lượng Kali, vitamin A cao duy trì làn da khỏe mạnh. Dầu chanh leo có tác dụng tăng cường độ ẩm cho da, giúp da đàn hồi, ngăn chặn quá trình lão hóa, ngoài ra còn giúp làm mờ các vết thâm sạm trên da, kiểm soát quá trình tự tiết dầu. Ngoài ra, dầu chanh leo có tính kháng khuẩn cao, chống ngứa, chống viêm, giảm kích ứng da, rất tốt cho da mụn và da nhạy cảm. Cùng với đó là đặc tính chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do, bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại bên ngoài.

2. Dầu hoa anh thảo (Evening primrose oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2

- Tỷ lệ Lioleic: 77%

- Tỷ lệ Gamma Lioleic: 11%

- Tỷ lệ Oleic:  6%

Dầu hoa anh thảo có chứa nhiều dưỡng chất với 77% lioleic acid, 11% gamma- lioleic acid cùng với nhiều dưỡng chất thiết yếu khác giúp cải thiện độ đàn hồi của da, kích thích tăng trưởng, tuần hoàn máu, điều tiết bã nhờn, giảm nguy cơ tắc lỗ chân lông gây mụn. Hàm lượng lioleic cao giúp ngăn ngừa phát triển vi khuẩn gây mụn trứng cá, giảm thiểu tình trạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng, loại bỏ tế bào chết, duy trì làn da sạch sẽ, mịn màng. Ngoài ra hàm lượng Gamma-lioleic acid (GLA) giúp tái tạo hàng rào bảo vệ da, có tính khánh viêm, rất tốt cho da nhạy cảm

3. Dầu hoa rum (Safflower seed oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 0

- Tỷ lệ Lioleic: 73%

- Tỷ lệ Oleic: 15%

Dầu hoa rum có màu vàng nhạt, mùi nhẹ với khả năng giữ ẩm cao và không gây tắc lỗ chân lông. Với một số loại ở trong môi trường chăm sóc tốt, dầu hoa rum có thể đạt đến 80% tỷ lệ lioleic acid giúp đánh bật và hòa tan các chất bẩn nằm sâu dưới lỗ chân lông, điều trị và hỗ trợ ngăn ngừa mụn trứng cá, mụn đầu đen một cách hiệu quả. Ngoài ra, trong dầu hoa rum còn có chứa nhiều protein, khoáng chất, vitamin E, vitamin K giữ ẩm và làm mềm da hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng khô, ngứa, bong tróc, nứt nẻ vào mùa đông.

4. Dầu hạt nho (Grape seed oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2

- Tỷ lệ Lioleic: 70% 

- Tỷ lệ Oleic: 20%

Dầu hạt nho được chiết xuất từ hạt nho, có màu vàng hoặc xanh nhạt. Đây là loại dầu nhẹ, kết cấu lỏng, thấm nhanh vào da. Dầu có chứa nhiều acid béo, với tỷ lệ Lioleic acid lên đến 70% . Ngoài ra, trong dầu hạt nho còn có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin E, beta-carotene, coenzynme Q10 làm sáng và mềm da, ngăn chặn sự xuất hiện của các nếp nhăn, chống lão hóa, ngăn ngừa sạm da. Ngoài ra, dầu hạt nho còn được chứng minh có khả năng làm se da, thu nhỏ lỗ chân lông và làm đều màu da. Với những người dễ bị mụn trứng cá, dầu hạt nho giúp kháng viêm, tăng tốc độ điều trị mụn trứng cá. Mặt khác, dầu hạt nho giúp duy trì độ ẩm tự nhiên trên da, khiến da căng bóng, mịn màng hơn.

5. Dầu hạt dưa hấu (Watermelon seed oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 1

- Tỷ lệ Lioleic: 63%

- Tỷ lệ Oleic: 15%

Dầu hạt dưa hấu có màu sáng trong, không nhờn, thẩm thấu nhanh, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Hàm lượng axit omega và axit lioleic giúp loại sạch bã nhờn, làm sạch da, hỗ trợ điều trị viêm nang lông. Trong dầu còn có chứa chất chống oxy hóa chống lại các tác nhân có hại trong môi trường, tác hại của tia tử ngoại và ánh sáng mặt trời, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa. Ngoài ra, hàm lượng vitamin E tự nhiên cải thiện chức năng miễn dịch, bảo vệ lớp màng có lợi trên da.

6. Dầu hạt bí ngô (Pumpkin seed oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2

- Tỷ lệ Lioleic: 57%

- Tỷ lệ Oleic: 25

Dầu hạt bí ngô giàu chất chống oxy hóa và chất béo tự nhiên, chứa các vitamin A, C, E, K và các khoáng chất kẽm. Kẽm trong dầu bí ngô giúp duy trì collagen tự nhiên, giữ độ đàn hồi cho da, bảo vệ da chống lại các tác hại của tia UV một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, hàm lượng lioleic acid và các vitamin giúp làm sạch da, kích thích tăng trưởng tế bào, phục hồi làn da hư tổn hiệu quả.

7. Dầu hạt óc chó (Walnut oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 1

- Tỷ lệ Lioleic: 56%

- Tỷ lệ Oleic: 20%

- Tỷ lệ Alpha-Lioleic: 10 %

Dầu hạt óc chó là loại dầu nhẹ, phù hợp với mọi loại da. Trong dầu có chứa hàm lượng alpha lioleic acid cao nên có khả năng nuôi dưỡng da , giúp làm sáng da, rất tốt cho da thâm nám. Ngoài ra, dầu hạt óc chó còn có khả năng làm mềm và chống oxy hóa, ngăn ngứa quá trình lão hóa của da. Đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ sẽ tiêu diệt mụn trứng cá, duy trì làn da khỏe mạnh, mịn màng.

8. Dầu gai dầu (Hemp seed oil)

- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 0

- Tỷ lệ Lioleic: 56%

- Tỷ lệ Oleic: 10

Dầu gai dầu là loại dầu có khả năng dưỡng ẩm và làm mềm da rất tốt. Ngoài các acid béo, dầu còn chứa các vitamin A, E, K và các khoáng chất giúp bảo vệ da tốt, hỗ trợ điều trị các tổn thương, tăng khả năng đàn hồi và trẻ hóa làn da. Dầu gai dầu còn cá khả năng hiệu quả trong việc giảm mẩn đỏ, kháng viêm. Ở một số người, dầu còn giúp se nhỏ lỗ chân lông đáng kể.

Theo Twus / Trí Thức Trẻ