Lũ miền Trung đang xuống, đã có 22 người chết
Trung tâm dự báo KTTV TƯ cho biết, lũ tại các sông Trung Bộ, lũ tại đồng bằng sông Cửu Long đang xuống.
Trung tâm dự báo KTTV TƯ vừa cho biết, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định đang xuống. Mực nước lúc 10 giờ hôm nay (9/11) trên các sông đều xấp xỉ trên dưới báo động 2.
Dự báo, đến tối nay, lũ trên phần lớn các sông từ Quảng Bình đến Bình Định có khả năng xuống mức BĐ1-BĐ2, riêng các sông ở Thừa Thiên Huế còn ở mức BĐ2 và trên BĐ2.
Lũ miền Trung đang xuống, đã có 22 người chết
Lũ đang rút tại miền Trung
Cụ thể tại một số sông như sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 1,7m, trên BĐ1: 0,5m; Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 2,7m, trên BĐ1: 0,2m; Sông Bồ tại Phú Ốc: 3,1m, trên BĐ2: 0,1m; Sông Hương tại Kim Long: 2,0m, ở mức BĐ2; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,8m, dưới BĐ2: 0,2m, tại Cẩm Lệ: 1,0m, ở mức BĐ1; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 2,6m, dưới BĐ2: 0,4m, tại Hội An: 1,3m, dưới BĐ2: 0,2m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa: 6,4m, trên BĐ1: 0,4m.
Trung tâm dự báo KTTV TƯ cho biết, đây là bản tin cuối cùng của đợt lũ này.
Về tình hình lũ sông Cửu Long, hiện mực nước hạ lưu sông Mê Kông đang lên chậm. Còn mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng đầu nguồn vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang xuống.
Dự báo, trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống sau biến đổi chậm, riêng vùng ĐTM và TGLX lên theo kỳ triều cường.
Đến ngày 13/11, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu xuống mức 3,55m, trên BĐ1: 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc xuống mức 3,25m, trên BĐ1: 0,25m; tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX lên mức BĐ2-BĐ3; riêng sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục xuống và ở mức 2,25m (dưới BĐ3: 0,15m).
Đây cũng là tin lũ cuối cùng trên sông Cửu Long của mùa lũ năm 2011, Trung tâm dự báo KTTV TƯ cho biết.
22 người chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương, nhiều đoạn quốc lộ và tỉnh lộ tại miền Trung tan nát vì lũ...
Theo Ban chỉ đạo PCLB TƯ, hiện lũ tại Trung Bộ làm 22 người chết (Thừa Thiên Huế: 1, Đà Nẵng: 3, Quảng Nam: 17, Quảng Ngãi: 1).
Lũ cũng làm 2 người mất tích (Quảng Nam 1; Bình Định 1 người) và 2 người bị thương (Thừa Thiên Huế: 1; Quảng Nam: 1).
Về tài sản, lũ làm 33 nhà bị sập, hư hại, 117.081 nhà bị ngập 659 ha diện tích lúa bị ngập, 2.852,5 ha hoa màu bị ngập, hư hại.
Theo Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN Bộ đội biên phòng, thiệt hại về tàu thuyền tại Đà Nẵng chìm 3 tàu; trôi dạt 3 tàu trên sông Hàn do đứt dây neo. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 1 tàu, 1 ca nô/10 CBCS và trưng dụng 1 tàu kéo đang thi công cầu Rồng cứu kéo được 3 tàu an toàn, không có thiệt hại về người.
Tại Quảng Nam, tầu cá QNa 3259 với 5 lao động bị sóng lớn đánh mắc cạn tại khu vực Cồn Áng cách bờ khoảng 2 hải lý vào 21 giờ 30 ngày 7/11, hiện cả tàu và 5 lao động đã được Bộ đội biên phòng Quảng Nam đưa vào bờ an toàn.
Tại Quảng Ngãi, tàu QNg 94942 bị hỏng máy phá nước bị chìm, có 1 người chết ngạt khi sửa máy; hiện toàn bộ số ngư dân trên tầu và thi thể người bị nạn đã được tầu QNg 94372 đưa về bờ.
Tàu QNg 98225, trên tàu có 3 lao động trên đường chạy vào Đà Nẵng đã bị chìm tại toạ độ 16025'N - 108030'E lúc 4 giờ ngày 8/11, tất cả lao động trên tàu đã được tàu QNg 44229 TS cứu vớt đưa vào bờ an toàn.
Các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Phú Yên có công điện chỉ đạo chính quyền các cấp, các Sở, ban ngành triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ...
Về tình hình sơ tán, di dời dân, hiện Thừa Thiên Huế đã tổ chức sơ tán 1.150hộ/4.525 khẩu tránh lũ; Quảng Nam tổ chức sơ tán 6.400hộ/25.000 khẩu ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp bị ngập sâu đến nơi an toàn; Quảng Ngãi đã di dời 18 hộ tại huyện Sơn Tây do nguy cơ sạt lở núi.
Theo VTC