Long Sơn cổ tự: Ngôi chùa với nhiều sự tích
Lịch sử hình thành
Vào khoảng năm 1867, triều đình Huế giao 6 tỉnh miền Tây cho Pháp. Khi đất Biên Hòa lọt vào tay người Pháp thì quan đại thần nhà Nguyễn Binh Bộ Hữu Tham Tri Thị Viết Hiển Mục Lễ Hầu họ Dư phò công chúa và cũng là người cháu ruột Dư Quốc Đống chạy vào lánh nạn tại chùa Long Sơn. Vị quan Binh Bộ và người chúa Dư Quốc Đống cùng công chúa vào chùa lánh nạn, thấy cảnh thiền môn yên tĩnh, đồng thời cũng chán nản trước cảnh tàn khốc của chiến tranh nên họ quyết định xuất gia tỉnh tu tại chùa, cầu pháp với hòa thượng Linh Đức. Sau khi hòa thượng Linh Đức viên tịch, quan đại thần Binh Bộ họ Dư kế thế trụ trì. Sau thời gian tu học tại đây, sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch. Tăng chúng và môn đồ an táng xây dựng mộ thờ trong khuôn viên chùa. Kế thừa chùa Long Sơn là sư Dư Quốc Đống, pháp danh Như Lương - Thiên Hạnh thế hệ thứ 41 dòng Lâm Tế.
Chùa Long Sơn (Ông Mõ) hôm nay được xây dựng khang trang, kết hợp cùng phong cảnh hữu tình là nơi lý tưởng để tịnh tâm, tu dưỡng của bậc chân tu Ảnh: BÌNH MINH
Vào khoảng năm 1927- 1930, thiền sư Như Lương có công cùng bà con phật tử dời ngôi chùa đến ngọn đồi xây dựng lại chùa Long Sơn (Ông Mõ) tọa lạc tại đây cho đến nay. Trong thời gian sư Như Lương trụ trì chùa, ngài xiển dương, truyền bá phật pháp đem lại cho nhân dân vùng đất này có nơi nương tựa về mặt tâm linh. Dân làng rất mến mộ và sùng kính. Sư Như Lương - Thiện Hạnh viên tịch vào ngày 9 tháng 6 năm Tân Tỵ (1941). Kế thế trụ trì là thầy Yết Ma Thích Thiện Chỉ là đệ tử của Thiền sư Như Lương thế hệ thứ 42 thuộc dòng Lâm Tế. Trong thời gian trụ trì, thực hiện theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, vào tháng 12-1946, sư Thiện Chỉ cùng tăng chúng đốt chùa chống giặc.
Trong suốt thời gian từ 1946 đến 1975, do 2 cuộc chiến tranh nên chùa không có điều kiện xây dựng lại. Mãi đến tháng 10-1997 do lòng kính mộ các bậc cao tăng và ngôi chùa cũ nên đồng bào phật tử đã đứng ra xin phép xây dựng lại ngôi chùa trên nền cũ.
Sự tích về Ông Mõ
Theo truyền thuyết dân gian, ở phủ Đồn Sứ, Tân Uyên thì vùng đất Tân Hòa - Tân Lộc - Thường Lang - Tân Tịch là một vùng đất rừng thiêng nước độc. Từ buổi đầu dân cư khai hoang, vùng này có rất nhiều loài thú. Khi người dân phát hoang làm rẫy, lương thực mang theo để dùng trong lúc lao động đều bị thú rừng ăn hết. Trong khu này có một cây khô khá to, có một khối u lớn chìa ra ngoài hình dạng giống một cái mõ. Trong lúc người dân làm rẫy đem theo lương thực máng vào mõ cây và có lời xin gửi mõ cây giữ giùm thì ngày đó lương thực còn nguyên vẹn không bị thú rừng đến ăn. Hôm nào quên, không nói lời xin gửi thì lương thực bị các thú rừng ăn hết. Thấy điều kỳ lạ, dân chúng đến khấn cầu cây mõ phù hộ cho được trúng mùa thì theo ý nguyện. Do đó, dân làng nơi đây gọi gốc cây thiêng này bằng tên “Ông Mõ” cho đến nay.
Cũng ngôi chùa này, tên gọi “chùa Ông Mõ” theo nhà hoạt động cách mạng Huỳnh Văn Nghệ trong truyện ký Chùa Ông Mõ thì vào năm 1867 sau khi giặc Pháp chiếm được Phủ - Đồn - Sứ của quân dân ta thì đồng bào ở đây và nghĩa quân rút về các làng ở Tân Tịch, Tân Hòa, Mỹ Lộc để xây dựng căn cứ tiếp tục kháng chiến… Chòi gác được cất trên những ngọn cây sấu to, trên quả đồi cao nhất của làng Tân Hòa. Người gác có thể quan sát tất cả tàu chiến của giặc một cách rõ ràng để báo động cho nghĩa quân bằng tiếng mõ. Người phụ trách gác là hai vợ chồng ông Sáu, trước kia làm nghề chài trên sông Đồng Nai. Từ ngày chiếc thuyền chài của ông bị tàu giặc bắn chìm thì ông không muốn làm nghề khác mà xin vào đồn Mỹ Lộc gia nhập nghĩa quân.
Dốc Chùa là di tích khảo cổ học bao bọc cả một ngọn đồi, trên đồi còn có một ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây khoảng 200 năm từng bị phá hủy do chiến tranh (Long Sơn tự - chùa Ông Mõ ngày nay). Trong quá trình ủi đất lấy lại mặt bằng xây lò gốm trong khu đất Dốc Chùa, người dân địa phương đã phát hiện nhiều di vật cổ. Sau đó, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và phát hiện được nhiều mộ cổ cùng hàng ngàn hiện vật bằng đồng, đá, gốm… Dốc Chùa trở thành một sưu tập hiện vật quan trọng biểu hiện cho một đỉnh cao phát triển của thời tiền sử vùng Đông Nam bộ. Một di tích đa dạng và phong phú có nhiều yếu tố mới, sự hội tụ về kinh tế, kỹ thuật của xã hội phát triển cao, có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay.
Với tầm quan trọng đó, di tích Dốc chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích khảo cổ học cấp Quốc gia vào ngày 28-12-2001.
Với tiếng mõ trong tay làm vũ khí, ngày đêm đứng gác cho quê hương, mỗi tiếng mõ báo động của ông Sáu giúp nghĩa quân được bình an tránh giặc và tiếng mõ của ông là tiếng súng bắn vào đầu giặc. Vào một buổi sáng như những lần trước, đợi đến khi tàu địch đến thật gần trạm gác thì ông Sáu mới chịu xuống mang mõ băng rừng chạy đón đầu nó ở trạm gác trên. Nhưng không hiểu tại sao lần này tàu địch chạy quá chậm, ông đánh mỏi cả tay và tàu địch vẫn chưa chạy đến. Thấy tàu địch đến trạm gác, ông dồn sức đánh ba tiếng mõ cuối cùng.
Không ngờ một toán giặc đi đường bộ phát hiện đến bao vây gốc sấu. Tên quan chỉ huy toán giặc chĩa súng lên đề nghị ông Sáu đánh mõ báo an. Ông Sáu bảo: “Giặc còn đầy nước sao lại báo an, già này thà chết làm thần nghĩa chứ không thèm sống làm Việt gian…”. Sau đó, tên giặc Tây nổ súng bắn vào cánh tay phải làm văng dùi mõ. Máu ông Sáu chảy ròng ròng đỏ cả áo quần và cành sấu nhưng ông không hề sợ hãi. Ông nhìn xuống lũ giặc, tay trái ông siết chặt chĩa mõ tre, từ trên cao ông bỗng lao người như một mũi tên bay xuống nhắm vào đầu thằng Tây chỉ huy. Thằng Tây bị vỡ sọ chết không kịp trối. Ông Sáu hy sinh, đồng bào và nghĩa quân thương tiếc người gác mõ anh hùng bèn cất chùa tại gốc sấu thờ ông Sáu và chiếc mõ của ông. Đến nay câu chuyện chùa Ông Mõ vẫn mãi mãi còn in sâu vào tâm trí của mọi người tại vùng đất anh dũng này.
Đến với chùa Long Sơn (chùa Ông Mõ) hôm nay theo con đường dọc bờ sông Đồng Nai, thấp thoáng ta thấy ngọn đồi với cổng tam quan khiêm tốn, nép mình hòa quyện vào tán cây với từng bậc thang lên chánh điện. Một không gian tĩnh lặng, thánh thoát với địa thế phong thủy hữu tình, trước chùa là dòng sông Đồng Nai, sau lưng là đồi cao tạo nên một thế đứng vừa hùng vĩ mà thoát tục, là điểm đến lý tưởng cho những người muốn tịnh tâm, tu dưỡng…
PHI LONG