Lòng nhân từ cho cuộc sống tươi đẹp

Thứ năm, ngày 23/09/2010

Theo thông tin công bố chiều qua (22-9), Công an huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã hoàn tất hồ sơ chuẩn bị khởi tố bị can đối với Lê Thành Tám về tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác vì có hành vi bạo hành bé Nguyễn Thị Như Ý (9 tháng tuổi). Chỉ trong thời gian ngắn, khi vụ bạo hành bé Hào Anh còn chưa làm nguôi ngoai sự căm phẫn của dư luận (vừa hoãn xét xử phúc thẩm) thì giờ đây xã hội lại phải đau lòng trước vấn nạn bạo hành trẻ em.

 Trên thực tế, tham gia hành hạ bé Như Ý không chỉ có Tám mà còn có cả mẹ ruột của bé là Nguyễn Thị Xuân Lan. Nhìn ảnh chụp vết thương lở loét trên đôi chân của đứa bé mới 9 tháng tuổi này, bất cứ ai có lương tâm cũng khó kìm nén được sự bức xúc, đặc biệt khi biết người mẹ đã nhiều lần hành hạ, tiếp tay cho người tình hành hạ con ruột mình. Cho dù lý giải vì bất cứ lý do nào (ở đây lại là mê tín dị đoan nên càng bị lên án) thì dư luận vẫn không thể nào cảm thông được cho hành động này của người mẹ. Đây là điều trái với đạo lý luân thường, bởi theo quan niệm của người Á Đông và Việt Nam, người mẹ luôn là người chăm sóc, che chở cho con, thậm chí đến khi con đã lớn khôn, mẹ vẫn là mẹ của ngày nào, vẫn quan tâm và lo lắng cho con dù ở bất cứ nơi đâu. Từ xưa đến nay, mẫu tử cũng là tình cảm rất thiêng liêng cao cả, được cả dân tộc trân trọng, gìn giữ và phát huy. Nét đẹp văn hóa ấy không chỉ hiện diện trong các tác phẩm văn học mà còn trong cả đời thường, những tấm gương mẹ gồng gánh làm lụng cực khổ vì con, kiếm tiền nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài... được báo chí, xã hội ghi nhận và biểu dương thường xuyên. Ấy vậy mà, lại có một người mẹ đã vượt khỏi cái khuôn khổ đạo lý đó, nhẫn tâm gây tổn thương cho đứa con mới 9 tháng tuổi chưa biết tự vệ là gì do chính mình đẻ ra!

Trên các diễn đàn trong những ngày qua đều cho rằng, cần phải tước bỏ quyền làm mẹ của bà Lan. Cho dù cơ quan chức năng chưa đề cập việc xử lý trách nhiệm người mẹ với tư cách là người có liên quan thì bà cũng khó thoát khỏi bản án của lương tâm. Trái ngược với cảnh tượng bất nhân này, báo chí trong 2 ngày qua liên tục đưa tin một phụ nữ là triệu phú người Anh gốc Việt đã tình nguyện bán hết gia sản để về quê hương tạo dựng một cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi vì chính bản thân chị cũng từng là trẻ mồ côi ở Việt Nam. Thông tin nhân đạo ấy đã làm nhẹ bớt sự căm phẫn đối với những trường hợp như Tám - Lan hay Giang - Thơm của vụ bé Hào Anh trước đây.

Trong xã hội, bên cạnh những vụ hành hạ, ngược đãi, chắc chắn vẫn có rất nhiều các nghĩa cử thắm đượm tình người mà chúng ta cần tìm ra và nhân rộng để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Những con người đã quyết tâm giúp đỡ, cưu mang bé Hào Anh và bây giờ là bé Như Ý hay những “bà mẹ xã hội” hiện diện khắp nơi, họ tuy không ruột rà với nạn nhân nhưng tìm gặp nhau ở lòng nhân từ - ấy mới chính là sức mạnh và là gốc rễ sâu bền của cuộc sống.

Q.MINH