Lòng kiên trung của người lính Thủ Biên
Cầu Thủ Biên nối liền 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai Ảnh: Q.Chiến
Năm nay, Ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên sẽ tổ chức vào sáng mai (5-2) tại hội trường UBND tỉnh Bình Dương. Nhân dịp này, chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên, một y tá quân y xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngay từ những ngày đầu thành lập tỉnh Thủ Biên, cả gia đình bà đều làm việc cho chính quyền cách mạng. Bà kể ngày ấy, địa bàn Biên Hòa - Thủ Dầu Một là chiến trường vô cùng khó khăn ác liệt. Các lực lượng dân quân chính Đảng trên địa bàn đã vượt qua những thách thức to lớn, phát huy phong trào nhân dân kháng chiến, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Chính vì lẽ đó, những người lính cách mạng của tỉnh Thủ Biên, những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ vùng chiến khu Đ năm xưa giờ đây đã bước vào tuổi thập cổ lai hy, nhưng vẫn khó phai mờ trong tâm trí họ. Nói đến đây, bà hồi tưởng về ký ức, tham gia chiến trường từ khi 13 tuổi, đến nay đã 81 tuổi (đang ở tại 187b, Hai Bà Trưng, quận I, TP.HCM). “Khó mà kể hết những gian khổ mất mát của bộ đội vùng chiến khu Đ, vậy mà chiến khu vẫn vững vàng lớn mạnh. Đó là điều tôi muốn nhắc đến nhân dịp họp mặt truyền thống Ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên năm nay” - bà nhấn mạnh. Bởi chiến khu Đ có vai trò trọng yếu của chiến trường miền Nam. Do địch bao vây cấm vận nên vật chất rất thiếu thốn, mỗi người được chia đều nửa lon gạo một ngày. Cùng với bộ phận sản xuất chuyên trách, các bộ phận chuyên môn đều phân công người tham gia phá rừng, làm rẫy và đạt được kết quả đáng mừng.
Thành lập vào tháng 5-1951, tỉnh Thủ Biên hợp nhất từ 2 tỉnh Biên Hòa - Thủ Dầu Một, gồm 9 huyện: Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Thủ Đức, Tân Uyên, Châu Thành, Sông Bé, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và 2 TX.TDM, Biên Hòa. Đến tháng 7-1951, tỉnh thành lập huyện căn cứ Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập 2 huyện Tân Uyên và Hớn Quản.
Thế nhưng, trận bão năm Nhâm Thìn (1952) đã cuốn đi tất cả, đẩy cả khu vực rơi vào nạn đói trầm trọng. Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trong đêm 18-10-1952. 17 giờ chiều trời bắt đầu mưa lất phất, đến 20 giờ chỉ nghe tiếng gió quần tơi tả, tiếng cây gãy đỗ răng rắc. Cây cối hai bên suối ngã rạp, nước chảy xiết không biết đâu là bến bờ. Tân Hòa, Tân Tịch, nước như biển cả mênh mông. Lũ bất ngờ trên sông Đồng Nai cuốn phăng tất cả. Tiếng kêu cứu trên nóc nhà, ngọn tre in ỏi, nhưng vì nước chảy xiết đành bó tay, ngay cả binh lính cũng leo lên nóc nhà kêu cứu. Sau bão lũ lại xảy ra đói và dịch sốt rét. Mỗi người, mỗi bữa chỉ ăn một ít gạo nấu với rau tàu bay hoặc một chén cháo loãng. Nhưng gạo bị thối, ẩm móc, lại thêm nạn sốt rét hoành hành, không đủ thuốc điều trị. Lợi dụng tình thế đó, giặc Pháp mở nhiều cuộc càn quét vào căn cứ. Đầu năm 1953, chúng mở trận càn liên tục 52 ngày đêm vào chiến khu Đ, thả bom xăng (napal) đốt phá hoa màu mà ta vừa trồng lại sau lũ lụt. Đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ta vừa chống càn, vừa chuyển sang sản xuất vào ban đêm ngay dưới làn đạn pháo của địch. Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính kiên quyết chỉ đạo khắc phục khó khăn, tập trung cho sản xuất, bảo vệ căn cứ, vừa chuyển hướng hoạt động đánh địch ở vùng xung yếu, phá thế bao vây của chúng, rút người và của bổ sung cho lực lượng ta; khôi phục cơ sở vùng du kích và vùng tạm chiến, tạo điều kiện để phát triển phong trào kháng chiến.
Vụ mùa năm 1953 thắng lợi, nạn đói được đẩy lùi. Bộ đội được cấp mỗi tháng 25 lít gạo và 9 đồng tiền ăn, việc thu thuế nông nghiệp được nhân dân đóng góp đầy đủ, sự đoàn kết quân - dân - chính - đảng gắn bó một lòng một dạ đã chiến thắng được giặc đói và giặc ngoại xâm. Từ cuối năm 1953, cuộc chiến xâm lược của thực dân Pháp ngày càng đi vào bế tắc trên các chiến trường cả nước. Nhiệm vụ của Nam bộ là chuẩn bị đón lấy thời cơ mới, khuếch trương chiến thắng về quân sự, chính trị phối hợp với chiến trường miền Bắc. Ở tỉnh Thủ Biên, quân Pháp rút đi 3 tiểu đoàn, vùng chiếm đóng quanh chiến khu Đ rút bớt và co cụm lại. Chớp thời cơ, lực lượng ta áp sát các thị xã, thị trấn tiến công địch, đẩy mạnh tuyên truyền vào vùng tạm chiếm và công tác địch vận, khai thông được các tuyến, hành lang chính từ chiến khu Đ với các tỉnh miền Đông”.
Buổi họp mặt ôn lại truyền thống hào hùng của tỉnh Thủ Biên năm nay vô cùng ý nghĩa, bởi đây cũng là dịp để chúng ta kỷ niệm 60 năm trận bão lụt lịch sử ở miền Đông Nam bộ (1952-2012). Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, Trưởng ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên khẳng định: “Mỗi chúng ta ngày càng tự hào về một vùng đất gian lao mà anh dũng, vì dù 60 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều người ở đây vẫn còn in rõ những hình ảnh ngày đầu tiên của năm Thìn bão lụt ngày 18-10-1952. Với tinh thần đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau nằm gai nếm mật, anh dũng chiến đấu chống lại các đợt càn quét của địch, quân và dân Thủ Biên đã đoàn kết vượt qua được hậu quả của thiên tai và địch họa, khôi phục và phát triển lực lượng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.
HÒA NHÂN
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Bình Dương luôn trân trọng, ghi nhớ sự đóng góp, hy sinh của các cô chú
“Ban Liên lạc kháng chiến Thủ Biên gồm những người trước đây tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ trên vùng đất Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Mỗi người một quê hương tụ hợp về vùng đất này cùng chiến đấu, học tập, lao động và sản xuất. Sau hòa bình, có người còn công tác có người đã nghỉ hưu, nhớ lại thời kỳ chiến đấu, họ tập hợp lại thành Ban Liên lạc nhằm kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ và động viên nhau khi có hữu sự; đồng thời qua Ban Liên lạc họ có dịp ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng mà họ đã trải qua. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống tốt đẹp của những người đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lần này Ban Liên lạc họp mặt trên mảnh đất Bình Dương anh hùng trong chiến đấu và trong lao động cùng ôn lại truyền thống tốt đẹp thời kỳ xa xưa. Đối với địa phương, Bình Dương luôn trân trọng, ghi nhớ sự đóng góp, hy sinh của các cô chú và sẽ không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp đó để xây dựng Bình Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại và có bản sắc”.
HÒA NHÂN (ghi)
* Trưởng ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên HUỲNH VĂN NAM: Nâng niu, trân trọng và tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng chiến khu Đ
Được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, hàng năm cứ mỗi dịp tết đến xuân về, Ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên lại luân phiên tổ chức gặp mặt truyền thống. Năm nay, chúng ta vui mừng được tổ chức gặp mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương - căn cứ kháng chiến một thời của tỉnh Thủ Biên. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Bình Dương là tỉnh bị tàn phá nặng nề, đất nước hòa bình và thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương luôn chủ động sáng tạo, tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ kháng chiến trên chiến trường Thủ Biên năm xưa, biết kết hợp sức mạnh thời đại và sức mạnh truyền thống tạo nên nhiều bước phát triển nhảy vọt trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày nay, Bình Dương cùng với Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động của cửa ngỏ phía Đông Bắc TP.HCM, qua 15 năm tái lập, Bình Dương đã có nhiều biện pháp thực hiện kịp thời chỉ đạo của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân tháo gỡ khó khăn duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, giữ vững quốc phòng - an ninh, giải quyết tốt chính sách, bảo đảm an sinh xã hội.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả nước. Trong những năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo cơ hội mới cho sự phát triển, đồng thời cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, với những thành tựu đã đạt được trong 15 năm qua, năm 2012, Bình Dương tiếp tục phát huy cao độ nội lực, khai thác tốt các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh, bền vững, xứng đáng là một trong những địa bàn phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phấn đấu để trở thành một tỉnh công nghiệp và là một đô thị hiện đại vào năm 2015, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy truyền thống này, tôi mong muốn thế hệ những người kháng chiến còn lại hôm nay không còn nhiều quỹ thời gian, nên mỗi người chúng ta hãy biết nâng niu, trân trọng, tiếp tục phát huy tốt truyền thống quý báu của bản thân và mỗi gia đình hãy sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời.
Thay mặt toàn thể anh chị em Ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên, xin được chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói riêng và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mong các đồng chí lãnh đạo các tỉnh tiếp tục quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện để Ban liên lạc kháng chiến Thủ Biên có điều kiện hoạt động, giữ vững truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.