Lối vào đời rộng mở…
(BDO) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã đi qua. Quan sát không khí thi cử có thể thấy sự chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi của ngành giáo dục, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, địa phương liên quan đã bảo đảm cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Bên cạnh cũng không thiếu những hình ảnh đẹp, chan chứa tình người của lực lượng tình nguyện viên. Tất cả thể hiện đầy đủ trách nhiệm vì tương lai con em, vì thế hệ trẻ của đất nước.
Chắc rằng từ nay cho đến ngày công bố điểm chính thức là khoảng thời gian khá hồi hộp với sĩ tử cũng như các bậc phụ huynh. Sau 12 năm đèn sách, sự hồi hộp đan xen kỳ vọng về điểm số tối ưu của thí sinh, phụ huynh là điều dễ hiểu. Kể từ khi tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, ngoài việc tốt nghiệp THPT, số điểm đạt được cao hay thấp còn là “bàn đạp” để các em mở lối vào các trường đại học, cao đẳng… theo nguyện vọng. Hơn một triệu thí sinh trong cả nước, trong đó Bình Dương có gần 13.000. Các em có quyền kỳ vọng, có quyền mơ về một “khung trời đại học” để trang bị cho mình hành trang bước vào đời. Nhưng cũng thẳng thắn để nói với nhau rằng, sẽ có không ít thí sinh ước mơ không thành hiện thực bởi vô vàn lý do. Nhiều chuyên gia ngành giáo dục đã nói từ lâu rằng “vào đại học không phải là con đường duy nhất”. Và, các bậc phụ huynh, thí sinh nhiều năm qua cũng đã phần nào “lắng nghe, thấu hiểu” lời khuyên này. Vào đại học là mơ ước nhưng không phải bằng mọi giá! Có thể vì hoàn cảnh, vì năng lực, sẽ có nhiều thí sinh chấp nhận thực tại, gạt bỏ mơ ước bấy lâu để tìm cho mình con đường mới, phù hợp hơn. Và, lối vào đời luôn rộng mở với bất kỳ thí sinh nào. Đại học, cao đẳng, hay trường nghề… bất luận trên lĩnh vực nào, nếu phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, năng lực, sở thích, quyết tâm cao, thí sinh nào cũng có thể vươn tới thành công. Thực tế trong đời sống xã hội, có không ít người chưa kinh qua bất cứ trường đại học, cao đẳng hay trường nghề nào nhưng họ vẫn vươn lên rất vững vàng bằng nghề nghiệp đam mê, nhiệt huyết, chịu tìm tòi, học hỏi của chính bản thân. Tất nhiên dù không đến với trường lớp chính thức, nhưng sự học, tư duy nghề nghiệp, trau dồi, bổ sung kiến thức của bản thân họ là không thể cân đo, chưa bao giờ dừng lại. Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế cũng đa ngành, đa lĩnh vực, nghề nghiệp để chọn và bước vào đời luôn rộng mở với bất kỳ ai. Tin rằng, với những người trẻ, sau 12 năm “dùi mài kinh sử”, dù mơ ước trước kỳ thi có thể chưa thành cũng có đủ thời gian, nghị lực để mở lối tương lai.
TRIỆU PHONG