Lời thề núi sông từ Tân Trào
(BDO) Sau thời gian hoạt động tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ nhìn nhận tình hình thế giới biến động nhanh chóng, có lợi cho cách mạng Việt Nam, Người đã chỉ thị phải chọn ngay một địa bàn để làm căn cứ lãnh đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Tuyên Quang, mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, đã được Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.
Lán Nà Nưa tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời…
Tháng 5-1945, Bác Hồ rời Pác Bó, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 21- 5-1945, Bác Hồ về đến Tân Trào, trong thời gian đầu, Bác Hồ và ba đồng chí cán bộ ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự (người dân tộc Tày). Dù chỉ ở trong thôn một thời gian ngắn thôi nhưng những hình ảnh thân yêu, gần gũi, bình dị của ông Ké ngày nào vẫn còn in đậm với núi sông và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Đó là hình ảnh của ông Ké có dáng người mảnh dẻ nhanh nhẹn, vầng trán cao, mắt sáng như sao; yêu dân, yêu bộ đội, lại chăm chỉ khác thường; đêm đọc tài liệu, đánh máy tới khuya, sáng mờ đất đã dậy quét nhà, tưới rau, lấy củi, đánh thức bộ đội đi tập, tăng gia giúp dân. Tuy bận công tác nhưng Bác Hồ rất quan tâm tới việc sản xuất và việc học chữ của dân; hôm nào đi thăm đồng thấy ruộng cạn là Người lại hăng hái vận động bà con cùng đi tát nước ngay. Đặc biệt, ông cụ luôn gần gũi, quan tâm, chăm lo cho thiếu nhi như người ông, người cha. Ở nhà dân khoảng một tuần, để giữ bí mật và tiện cho công việc, Bác Hồ chuyển lên chỗ ở mới. Các đồng chí bộ đội và cán bộ ở địa phương đã làm một căn lán nhỏ cho Bác, trong khu rừng Nà Nưa.
Hôm chúng tôi đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào trời mây xanh ngắt một màu. Không gian rừng núi Việt Bắc yên tĩnh, mát mẻ cùng với giọng hướng dẫn của cô hướng dẫn viên người bản địa đưa chúng tôi quay về với những năm tháng Bác Hồ sống và hoạt động nơi đây. Dòng suối Khuôn Pén một màu xanh tươi in hình những cây Phách ven bờ uốn lượn chảy qua khu rừng Nà Nưa. Bước nhẹ qua 79 bậc đá tượng trưng cho 79 mùa xuân cuộc đời Bác, chúng tôi đến với lán Nà Nưa. Căn lán bằng tre nứa lá đơn sơ lúc nào cũng có những bó hoa thơm ngát và hương khói tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị cha già dân tộc. Lán có hai gian nhỏ, gian trong để ở, gian ngoài để Bác làm việc, tiếp khách đúng với yêu cầu của Bác: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Lò Thị Tâm, nữ hướng dẫn viên của khu di tích nhẹ giọng giới thiệu: Nơi đây Bác ở 92 ngày đêm. Sau bao nhiêu năm lặn lội đi tìm hình của nước, chiếc lán đơn sơ được lợp bằng lá gồi như sàn nhà thu nhỏ và bưng quanh bằng phên nứa, lối lên nhà sàn bằng chiếc cầu thang gỗ, gần lối vào cửa dựng hai báng nước. Ngày ấy điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Trước hoàn cảnh sống và làm việc như vậy, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khỏe của Bác giảm sút.
Tại đây, theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết: “Chúng tôi vào Tân Trào, anh Võ Nguyên Giáp cho biết ông cụ đang chờ, nhưng ốm lắm. Mấy hôm trước bệnh tình có vẻ nguy kịch. Ông cụ đã có một lần cho gọi anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp vào bàn các công tác như có ý trối trăng... Ngày ấy, những trận mưa rừng liên miên. Ông cụ ngồi xổm một mình trên sàn, râu tóc lốm đốm bạc, hai má hóp lại, hai chân gầy khẳng khiu, đôi mắt vẫn sáng như xưa. Giọng nói không có gì đổi khác, từ tốn và đầm ấm” .
Những câu chuyện của người nữ hướng dẫn viên làm chúng tôi xúc động, rươm rướm nước mắt và cảm phục với tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí không lung lay của vị lãnh tụ dân tộc trước vận mệnh đất nước.
Quyết tâm giải phóng dân tộc
Tại lán Nà Nưa, Người làm việc không lúc nào nghỉ ngơi. Khi đọc báo cáo, tài liệu, lúc đánh máy thảo văn bản, chỉ thị, khi họp bàn với cán bộ, đoàn thể, lúc thăm bộ đội, nhà dân, tăng gia sản xuất... Thời gian ở Tân Trào, Người chỉ thị thành lập Trường Quân chính kháng Nhật, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Xã Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, đầu não lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn quốc.
Từ căn lán nhỏ Nà Nưa ở Tân Trào, mọi chỉ thị, phương châm, đường lối, sách lược chỉ đạo toàn dân chuẩn bị vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền được nhanh chóng truyền đi khắp nơi trong cả nước. Đồng thời Người chú trọng thiết lập, duy trì quan hệ chặt chẽ với quân Đồng minh. Lúc này, phát xít Nhật đang thất bại nặng nề trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương. Ở trong nước, cao trào kháng Nhật phát triển mạnh từ Bắc chí Nam.
Cuối tháng 7-1945, tại Tân Trào, Trung ương Đảng gấp rút chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa hết sức khẩn trương. Từ ngày 13 đến 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng với trên 30 đại biểu các Đảng bộ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ họp trong khu rừng Nà Nưa. Tuy vừa ốm dậy, người còn xanh xao nhưng Bác vẫn gượng chống gậy tới họp, góp nhiều ý kiến chỉ đạo. Hội nghị bàn và quyết định những việc cấp bách liên quan tới vận mệnh đất nước, như thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam, đề ra Mười chính sách lớn của Việt Minh, chủ trương đối ngoại với Đồng minh, định ra nhiệm vụ quân sự, gấp rút phát triển nhiều đơn vị Giải phóng quân mới trong cả nước, ban hành Quân lệnh số 1.
Ngày 15-8-1945, sau khi được tin Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, Bác đã đề nghị hội nghị nên kết thúc sớm để đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 16 và 17-8, Bác dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, được đại hội bầu làm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Bác Hồ thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ. Ngay sau Đại hội Quốc dân, Người ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa: “…Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Ngày 22-8, Bác Hồ rời căn lán Nà Nưa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân, tỉnh Thái Nguyên. Với sự thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, Bác Hồ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta.
Thời gian Bác ở Tân Trào tuy không dài nhưng đã để lại những hình ảnh hết sức gần gũi, thiêng liêng trong lòng các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng của Bác tại thời điểm này mang ý nghĩa chiến lược lớn lao để tạo nên bước ngoặt cho lịch sử cách mạng Việt Nam trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền với ý chí của dân tộc: Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi (Việt Bắc, Tố Hữu) .
Cuối tháng 7-1945, tại Tân Trào, Trung ương Đảng gấp rút chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa hết sức khẩn trương. Từ ngày 13 đến 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng với trên 30 đại biểu các Đảng bộ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ họp trong khu rừng Nà Nưa. Tuy vừa ốm dậy, người còn xanh xao nhưng Bác vẫn gượng chống gậy tới họp, góp nhiều ý kiến chỉ đạo. Hội nghị bàn và quyết định những việc cấp bách liên quan tới vận mệnh đất nước, như thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam, đề ra Mười chính sách lớn của Việt Minh, chủ trương đối ngoại với Đồng minh, định ra nhiệm vụ quân sự, gấp rút phát triển nhiều đơn vị Giải phóng quân mới trong cả nước, ban hành Quân lệnh số 1. |
CAO SƠN