Lợi ích của việc thanh toán điện tử
(BDO) Trả lương cho người lao động qua thẻ ATM, trả phí dịch vụ qua ngân hàng, thu thuế qua mạng, khuyến khích chi tiêu bằng việc cà thẻ… đều xuất phát từ chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Việc giảm chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt sẽ từng bước làm thay đổi thói quen giữ tiền mặt của người dân, tạo điều kiện để các ngân hàng dễ dàng huy động vốn. Trên cơ sở đó, ngân hàng mới có điều kiện mở rộng cho vay, giảm lãi suất, tăng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp.
Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, hay nói cụ thể hơn là thanh toán điện tử, bao trùm từ người dân tới doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với người dân, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo đảm an toàn. Với doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp dịch vụ, thanh toán điện tử giúp giảm thời gian đi lại trong giao dịch, nộp thuế; dễ dàng đánh giá khách hàng thông qua dữ liệu điện tử; giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Với nền kinh tế, quá trình dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử sẽ tăng tính minh bạch; giảm thiểu các hoạt động kinh tế ngầm, tích tụ được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển nhờ mở rộng dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.
Thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đẩy mạnh thanh toán điện tử sẽ tạo ra tác động vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính. Thấy rõ những lợi ích to lớn của việc thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục đích của đề án nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng phương thức thanh toán điện tử.
Qua gần 4 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, hệ thống ngân hàng đã tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán, tăng cường công tác an ninh, bảo mật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, thanh toán điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do người dân còn quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thanh toán phát triển chưa đồng bộ… Do vậy, Chính phủ chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán điện tử trong thời gian tớ
LÊ QUANG