Lời hứa nơi nghị trường phải vào cuộc sống
Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là những lời hứa trên nghị trường sớm biến thành hành động thực tế.
Ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn các thành viên Chính phủ vào cuối buổi sáng 14-11, phóng viên đã ghi lại một số ý kiến đại biểu đánh giá về nội dung trả lời chất vấn cũng như các giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu ra nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tồn tại được các đại biểu đặt ra
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình): Nhìn chung, tôi thấy chất lượng các câu trả lời tốt, đặc biệt là các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã tập trung đưa ra các giải pháp để giải quyết khó khăn, tồn tại.
Các đại biểu Quốc hội vừa đặt những câu hỏi về những vấn đề đang được cử tri đặc biệt quan tâm, nhưng đồng thời đều muốn khai thác trí tuệ của những người trả lời chất vấn, rằng những giải pháp đưa ra sau cuộc họp này là gì, có tính đột phá không và lộ trình đạt hiệu quả ra sao?
Ví dụ trước tình hình nợ xấu, doanh nghiệp lao đao, nền kinh tế khó khăn thì giải pháp là gì? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung làm rõ. Với các giải pháp đưa ra bước đầu, tôi cho là khả thi.
Hy vọng sau kỳ họp này, các thành viên Chính phủ, Bộ, ban ngành, Thủ tướng Chính phủ nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân đưa nền kinh tế phát triển khởi sắc, có bước chuyển mới hiệu quả hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu): Trong phiên chất vấn cũng như trong các buổi làm việc, nhiều báo cáo đã được trình bày, giải pháp được đưa ra. Tôi mong những vấn đề được đề cập được tập trung giải quyết rốt ráo hơn trong thời gian tới.
Tại phiên chất vấn lần này, có thể thấy câu hỏi của các đại biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và yêu cầu có giải pháp rõ ràng. Những nội dung được đề cập cũng là những vấn đề được đồng bào cử tri cả nước quan tâm và mong muốn được phản ảnh nơi nghị trường.
Các câu trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã đáp ứng một phần yêu cầu của đại biểu. Tuy nhiên có những câu hỏi chưa được trả lời thẳng vào vấn đề, giải trình nhiều nên một số đại biểu chưa được hỏi do không đủ thời gian. Theo tôi cần cần quy định thời gian trả lời để nhiều đại biểu được hỏi, tạo sự đối thoại và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn.
Tôi hy vọng, những vấn đề đặt ra với những câu hỏi trực tiếp, thẳng thắn thì cũng sẽ nhận được những câu trả lời trực tiếp, thẳng thắn và có giải pháp thực hiện quyết liệt để chuyển biến trong thực tế cuộc sống. Nếu câu trả lời chỉ hứa mà không làm, làm có mức độ, không đến nơi đến chốn, không quyết liệt thì sẽ không chuyển biến được tình hình. Sự chuyển biến đó, theo tôi phải được thể hiện trong báo cáo thực hiện lời hứa, kiến nghị, ý kiến của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên): Tại phiên chất vấn lần này, các Bộ trưởng, trưởng ngành ít nhiều cũng để lại ấn tượng. Có những câu hỏi của đại biểu được Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thông suốt, rõ ràng và nhận được sự đồng tình của đại biểu, nhưng cũng có câu hỏi chưa trả lời đầy đủ nên đại biểu chưa thỏa mãn.
Tôi cũng như nhiều đại biểu khác đồng tình và đánh giá cao Chính phủ và một số Bộ trưởng đã có báo cáo xem xét giải quyết kiến nghị, ý kiến của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây là bước chuyển biến tốt, tích cực, nhưng làm sao từ báo cáo phải biến thành hành động trong cuộc sống và mang lại hiệu quả.
Do đó, trong lần tới, báo cáo phải đánh giá được một cách thực chất là từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri, của đại biểu thì mức độ giải quyết của các Bộ trưởng, trưởng ngành ra sao, cái gì đạt được và chưa đạt được, điều gì còn nợ cử tri, nợ đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội thực hiện việc giám sát tốt hơn.
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai): Nhiều vấn đề được đề cập tại phiên chất vấn cho thấy các quy định pháp luật cơ bản đầy đủ, văn bản dưới luật cũng không thiếu, nhưng điều quan trọng là cách tổ chức thực hiện còn nhiều điều để nói.
Như nội dung câu hỏi tôi đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế, rằng đã có đấu thầu giá nhưng giá thuốc vẫn chênh lệch rất lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Tôi theo dõi suốt từ kỳ họp thứ 2 và nhận thấy rằng tình hình chuyển biến còn chậm. Tôi nhất trí với Bộ trưởng là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Hay vấn đề nâng cao y đức, tôi cho rằng giải pháp quan trọng chính là quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ y tế, từ đó góp phần động viên người làm trong ngành.
Tôi cũng quan tâm nội dung của trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thấy rằng có những vấn đề chưa được nhìn thẳng vào thực trạng. Thống đốc nói ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, cứu doanh nghiệp là cứu ngân hàng nhưng trên thực tế thì ngân hàng chưa thực sự cứu doanh nghiệp. Hay về Cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 2 năm nay chưa có hướng dẫn của Thống đốc thực hiện quyết dịnh của Chính phủ.
Theo VOV