Lợi dụng cải tạo mặt bằng để trục lợi
(BDO) Mặc dù mới chỉ được UBND huyện Phú Giáo đồng ý cho chủ trương cải tạo mặt bằng, tuy nhiên một số người dân trên địa bàn huyện lại đưa máy móc, xe cơ giới khai thác tận thu đất mặt. Để phản ánh thông tin khách quan, P.V Báo Bình Dương đã bí mật đột nhập vào các hầm đất “lậu”.
Lợi dụng việc cơ quan chức năng huyện Phú Giáo cấp phép cải tạo mặt bằng, thời gian qua, ông Hoàng Văn Được đã cho xe múc, xe tải tận thu đất mặt
Ngang nhiên chở đất mặt đi bán
Trong nhiều tháng trở lại đây, trên địa bàn xã An Long, An Linh (huyện Phú Giáo) rộ lên tình trạng tận thu đất mặt trái quy định. Hàng ngày, riêng đối với hai xã An Long, An Linh có hàng trăm lượt xe ben, xe tải vào ra các hầm để chở đất đi bán. Hai địa phương này xuất hiện nhiều đại công trình khai thác đất trái phép; nhiều diện tích lô cao su đã bị triệt hạ, thay vào đó là những hầm rất sâu. Hàng ngàn m3 đất mặt chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây được đối tượng mượn danh nghĩa san lấp mặt bằng tại chỗ để chở đi bán.
Các tuyến đường ĐH510, ĐH507 và ĐH 516… đi qua các xã này phải “gồng mình” gánh những đoàn xe khủng. Do không che chắn cẩn thận, nhiều xe chở đất đã làm rơi đất đá xuống đường, gây bụi ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Tại các hầm đất hoạt động trái phép, nhiều xe múc khẩn trương thi nhau ngoạm đất, trút lên xe tải đang nối đuôi nhau chở ra khỏi địa bàn. Theo P.V ghi nhận, để đối phó lực lượng chức năng, chủ hầm đất “lậu” bố trí người cảnh giới.
Lúc 13 giờ ngày 17-3, P.V đã bí mật tiếp cận hầm đất của ông Hoàng Văn Được, thuộc ấp 30- 4, xã An Linh. Tại đây có 2 xe múc đang ngoạm từng gàu đất sát mép những hàng cây cao su vươn mình trong nắng. Từ sáng đến tối, hàng chục lượt xe tải có tải trọng “khủng” liên tục vào ra vận chuyển đất đi nơi khác. Qua quan sát, tại hầm này có độ sâu từ 2 - 5m, rộng cả ha. Tương tự, trên địa bàn xã An Long cũng có ít nhất 2 hầm đất “khủng” đang hoạt động tại ấp Bàu Cừ. Tại đây, P.V ghi nhận nhiều gốc cao su vừa bị đốn hạ, cành lá vẫn còn xanh tươi, đất sau khi múc lên được vận chuyển đi nơi khác. Đáng nói, 2 hầm đất này cách UBND xã An Long chỉ hơn 1km. Hàng ngày, tiếng máy gầm rú của xe múc ngoạm đất đổ lên xe tải chở đất đi tiêu thụ. Qua theo dõi, từ ngày 12 đến ngày 17-3, trên tuyến đường ĐH516 ngang qua cổng UBND xã An Long thường xuyên xuất hiện đoàn xe “khủng”, chở đất đi tiêu thụ.
Lợi dụng cải tạo mặt bằng để trục lợi!
Theo tìm hiểu của P.V Báo Bình Dương, nhằm tạo điều kiện cho người dân canh tác cây cao su, thời gian qua, chính quyền huyện Phú Giáo đã ký nhiều quyết định cho người dân được phép cải tạo mặt bằng. Với điều kiện người dân chỉ được phép hạ cốt nền mặt bằng đất cho phù hợp theo quy định đã được cơ quan chức năng cấp phép. Trong quá trình cải tạo, người dân không được vận chuyển đất ra khỏi khu vực cải tạo khi chưa được phép của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, một số người lợi dụng quá trình cải tạo mặt bằng có dôi dư một lượng lớn đất mặt rồi vận chuyển đi nơi khác nhưng thực chất là bán cho những người có nhu cầu.
Theo tài liệu P.V có được, ngày 29-11-2018, UBND huyện Phú Giáo ban hành Quyết định số 1151/QĐ-UBND về việc cho phép ông Hoàng Văn Được (SN 1979, thường trú ấp 6, xã An Linh) được phép cải tạo mặt bằng tại ấp 30-4, xã An Linh với diện tích 16.981m2. Khu đất được cơ quan chức năng khảo sát, xác định là đất có độ dốc, cần được san lấp cải tạo bằng phẳng để trồng cây cao su. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo khu đất này, P.V ghi nhận có nhiều lượt xe tải vận chuyển đất đi nơi khác. Tương tự, ông Hoàng Mạnh Quát (SN 1946, ngụ ấp 6, xã An Linh) cũng được UBND huyện cấp giấy phép cải tạo mặt bằng tại thửa số 220, tờ bản đồ số 23 (xã An Long) với diện tích 17.477m2. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của P.V, số đất dôi dư trong quá trình cải tạo mặt bằng tại khu đất này được vận chuyển đi nơi khác trong một thời gian dài.
Chính quyền địa phương, ngành chức năng nói gì?
Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Phú Giáo đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan của huyện phối hợp với chính quyền các xã tăng cường trong việc giám sát, kiểm tra xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là hành vi lợi dụng cải tạo mặt bằng để tận thu đất mặt trái phép. Tuy nhiên, khi triển khai công tác này nhiều lãnh đạo đơn vị chức năng liên quan cho rằng đang gặp khó khăn, đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác đất mặt trái phép!
Trao đổi với P.V về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo mặt bằng trên địa bàn, ông Phạm Văn Trong, Chủ tịch UBND xã An Long, cho rằng: “Tình trạng khai thác đất mặt như P.V phản ánh hiện chúng tôi đã biết. Tuy nhiên, đơn vị cấp giấy phép cải tạo mặt bằng là do huyện; giấy phép tận thu đất mặt là do tỉnh cấp. Vì thế chúng tôi không có thẩm quyền để xử lý đối với những trường hợp vi phạm mà chỉ thực hiện công tác giám sát. Còn việc xe tải chở đất đá quá tải lưu thông trên các tuyến đường gây bụi bặm, người dân có phản ánh đến chính quyền xã. Sau đó cơ quan chức năng của huyện đã vào cuộc xử lý”.
Ông Vũ Đức Thuân, Chủ tịch UBND xã An Linh, cho biết: “Chúng tôi không dung túng cho ông Hoàng Văn Được khai thác đất trái phép trên địa bàn. Lợi dụng lúc vắng lực lượng chức năng, ông Được đã lén lút vận chuyển đất đi bán cho người có nhu cầu. Để kịp thời ngăn chặn hành vi vận chuyển đất đi nơi khác của ông Được, cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, chúng tôi đã 2 lần phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan lập biên bản đề nghị ông Được thực hiện đúng giấy phép cải tạo mặt bằng, không được vận chuyển đất đi nơi khác khi chưa được cấp phép. Riêng đối với hành vi khai thác, vận chuyển đất ra khỏi địa bàn của ông Được như P.V phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra cách xử lý”. Ông Thuân cho biết thêm: “Trong nhiều lần kiểm tra hoạt động cải tạo mặt bằng của ông Được nhưng ông không hợp tác với chính quyền địa phương mà thậm chí còn thách thức với lãnh đạo UBND xã”, ông Thuân bức xúc.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Giáo được lãnh đạo UBND huyện giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động cải tạo mặt bằng, tận thu khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trao đổi với P.V, ông Đoàn Văn Như Phong, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Giáo, cho rằng: “Mỗi tuần chúng tôi đều làm báo cáo tổng hợp gửi về lãnh đạo UBND huyện diễn biến về tình hình khai thác tận thu và cải tạo mặt bằng trên địa bàn. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng lén lút khai thác đất mặt trái phép trên địa bàn xã An Long, An Linh. Tôi khẳng định với P.V là Phú Giáo không có chuyện dung túng cho những sai trái trên lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép. Để chứng minh những gì tôi nói, tới đây, chúng tôi sẽ mời P.V Báo Bình Dương cùng tham gia tổ công tác xử lý đối với các hầm đất hoạt động trái quy định như đã phản ánh”.
Theo ông Phong, thời gian qua, chính quyền địa phương đã xử lý nhiều trường hợp tận thu đất trái phép trong quá trình cải tạo mặt bằng. So với trước đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khai thác đất mặt trái phép nói riêng trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.
Phóng viên bị uy hiếp Lúc 13 giờ ngày 17-3, P.V đã tiếp cận hầm đất của ông Hoàng Văn Được, thuộc địa phận ấp 30-4, xã An Linh để ghi lại những hình ảnh xe cơ giới vào lô cao su để tận thu đất mặt trái phép. Trong lúc P.V ghi hình, ông Được phát hiện. Ông dùng xe ô tô truy đuổi P.V. Tại một lô cao su sát chân cầu An Linh - An Long, ông Được và một số người khác liên tục uy hiếp P.V. Nhận được thông tin P.V phản ánh, các chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phú Giáo đã nhanh chóng có mặt giải cứu P.V sau 45 phút bị “giam lỏng”. |
NHÓM P.V