Lời chào cao hơn mâm cỗ
Anh Tuấn Long, ngụ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một vừa chia sẻ với chúng tôi: Cách đây 3 ngày, anh có mua một cái bếp từ của một siêu thị điện máy. Do công suất tiêu thụ điện quá cao, anh không hài lòng nên đem sản phẩm trả lại cho đơn vị bán. Điều làm anh rất phấn khởi là cửa hàng này vui vẻ nhận hàng và hoàn tiền lại cho anh. Nhân viên ở đây đón tiếp anh nồng hậu và nhiệt tình hướng dẫn anh làm thủ tục đổi trả sản phẩm. Khi ra về anh còn được nhân viên tiễn ra tận bãi giữ xe. Anh Long cho biết, sắp tới nếu gia đình có nhu cầu mua sắm anh sẽ chọn cửa hàng này.
(BDO)
Người tiêu dùng lâu nay vốn quen lối ứng xử “cơm chờ, cháo chửi”. Vai trò “thượng đế” lâu nay thường bị xem nhẹ, ứng xử văn hóa trong kinh doanh không được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các chuyên gia cho rằng, sắp tới thị trường mở cửa chào đón nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp nước ngoài thường tìm hiểu văn hóa bản địa để tìm ra lối ứng xử phù hợp, trước khi đề ra chiến lược kinh doanh. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp trong nước đang rất yếu.
Cùng một sản phẩm, cùng một giá và chất lượng tương đồng, người tiêu dùng sẽ chọn lựa mua hàng của đơn vị nào có khâu chăm sóc khách tốt nhất. Điều này các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm nhiều hơn để xây dựng văn hóa kinh doanh, từ cấp nhân viên giữ xe cho đến giám đốc.
Chúng tôi có dịp tham quan một trung tâm mua sắm tại Bình Dương, dù dạo quanh xem các sản phẩm hàng giờ liền nhưng không mua bất kỳ sản phẩm nào, chúng tôi vẫn được các nhân viên tại đây đón tiếp và phục vụ chu đáo. Họ cúi đầu chào chúng tôi khi vào trung tâm và cả khi ra về… Quả thật, hơn ai hết khách hàng mới là đối tượng quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa kinh doanh, hóa ra không cần tốn tiền tỷ ra nước ngoài học hỏi, mà ông bà xưa đã dạy “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Cái chính là các doanh nhân cần thấm nhuần và áp dụng lời dạy này.
HOÀNG PHONG