Lời cảnh báo với giao thông thủy
(BDO) Mặc dù đã nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh tuyên truyền và tích cực đôn đốc các ngành chức năng vào cuộc giữ gìn an ninh trật tự giao thông đường thủy (GTĐT) trên địa bàn tỉnh, nhưng tai nạn GTĐT vẫn cứ xảy ra. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào sáng 30-7 trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua địa bàn TX.Thuận An giữa tàu chở cát và sà lan làm hai người trong một gia đình trên tàu chở cát mất tích là lời cảnh báo đối với những ai còn lơ là việc cảnh giác với tai nạn GTĐT, đặc biệt là trong mùa mưa bão đang diễn ra.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính và sông Bé, với tổng chiều dài hơn 243km. Đây là những tuyến GTĐT nội địa quan trọng phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển hàng hóa… giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Với tầm quan trọng như vậy nên lưu lượng các phương tiện thủy lưu thông qua các con sông này là khá lớn, đặc biệt là lưu lượng các phương tiện thủy qua lại trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là GTĐT nội địa, ngay từ đầu mùa mưa bão, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh và các đơn vị chức năng, địa phương vào cuộc kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện GTĐT và các bến đò ngang trên sông.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh và các đơn vị chức năng đã tích cực vào cuộc kiểm tra, tuyên truyền nhằm bảo đảm trật tự an toàn GTĐT nội địa. Phương tiện và người điều khiển phương tiện GTĐT vi phạm pháp luật nếu phát hiện đều bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Đối với sà lan vận chuyển cát từ các tỉnh miền Tây lên Bình Dương, lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thuyền trưởng và chủ phương tiện chấp hành các quy định về an toàn GTĐT và kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng làm nhiệm vụ mỏng, trong khi mật độ lưu thông của phương tiện trên các con sông qua địa bàn tỉnh cao, ý thức của người điều khiển phương tiện còn hạn chế thì việc xảy ra tai nạn là điều dễ hiểu và vụ tai nạn nói trên là một ví dụ.
Ngay sau khi vụ tai nạn thương tâm nói trên xảy ra, Ban ATGT tỉnh, TX.Thuận An và các ngành chức năng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn và điều tra nguyên nhân xảy ra vụ việc. Liên quan đến vụ tai nạn này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cũng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Bình Dương và Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương có biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Bình Dương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải thủy nội địa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tại nạn đã xảy ra, việc khắc phục chỉ còn là tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ cho gia đình người bị nạn. Tuy nhiên, từ vụ tai nạn này các ngành chức năng và chủ phương tiện GTĐT sẽ ít nhiều rút được bài học về “bình yên sông nước”.
LÊ QUANG