Lời cảnh báo về môi trường từ công nghệ lạc hậu
Không để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của các nước phát triển, đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội ngày 30-9. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhiệm vụ quan trọng trong quản lý môi trường những năm tới là phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
(BDO)
Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất phát từ báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra. Theo đó, Việt Nam đang chịu thách thức lớn về môi trường từ công nghệ sản xuất lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, nước, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả.
Cũng tại hội nghị này, đại diện Tổng cục Môi trường nhận định, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta, nhất là chất thải nguy hại. Và trên thực tế, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, hiện còn 5.411 container hàng tồn đọng tại các cảng biển, chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, lốp cao su đã qua sử dụng, hàng tạp hóa.
Trên tinh thần đưa ra lời cảnh báo về sự gia tăng ô nhiễm môi trường, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thẳng thắn thừa nhận thực tế có rất ít doanh nghiệp thật sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào chiến lược và chương trình hoạt động của doanh nghiệp. Theo VCCI, đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, vẫn chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường, hoặc chỉ thực hiện qua loa với mục đích đối phó với các cơ quan chức năng.
Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình GDP tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Quả thực đó là những con số mang tính cảnh báo cao độ cho quá trình phát triển của Việt Nam hiện tại, đặc biệt là việc thu hút đầu tư nước ngoài ồ ạt, thiếu chọn lọc của nhiều địa phương trong cả nước. Trong công tác bảo vệ môi trường, điều đáng nói là mặc dù Việt Nam đã ban hành hơn 300 văn bản pháp luật, tuy nhiên hệ thống văn bản này vẫn còn quá nhiều lỗ hổng để bị “luồn, lách”, đối phó. Và như vậy công tác bảo vệ môi trường vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn!
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm môi trường đó là việc cần làm. Bên cạnh đó là việc bố trí, phân bố nguồn lực để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Đồng thời cần có cả những chiến dịch tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của cả xã hội thì mới mong có một môi trường xanh, sạch, bảo đảm cho phát triển bền vững của đất nước.
TRIỆU PHONG