Lời anh sáng ngời, vang mãi đến ngàn đời…
(BDO) Văn hóa, con người Việt Nam là sự kế tục và mang tính truyền kỳ từ thuở Hùng Vương dựng nước. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa ấy, con người ấy trong mỗi giai đoạn lịch sử đều được cụ thể hóa, kết tinh bằng những chiến công, những danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc... và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Với câu nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”, Lý Tự Trọng đã cụ thể một nét rõ ràng về văn hóa, con người Việt Nam. Lời nói anh hùng của anh vì vậy cũng sẽ vang mãi đến ngàn đời…
Anh hùng Lý Tự Trọng |
Cho mùa xuân đến…
Thế hệ của tôi - người viết bài này, sau đó và thế hệ trẻ ngày nay dù được sinh ra trong hòa bình, nhưng ngay từ nhỏ, anh Lý Tự Trọng cũng như nhiều anh hùng khác chắc chắn đã trở thành một hình tượng mang tính định hướng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Còn nhớ, ngày ấy khi còn ngồi trên ghế trường làng hay trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, được nghe thầy cô, các anh chị phụ trách kể những câu chuyện mà bây giờ mới biết là cũng chưa đầy đủ lắm về anh, nhưng khi ấy, chúng tôi đã cảm nhận được dường như có một dòng màu anh hùng đang chảy rần rật trong cơ thể. Bấy giờ, khi nghe các ca khúc “Noi gương anh Lý Tự Trọng”, “Hành khúc Lý Tự Trọng”, “Lý Tự Trong chúng em mãi ngợi ca”…, dù chưa nhận thức được đầy đủ thế nào là cách mạng nhưng những ca từ của các bái hát vẫn còn ở trong tâm trí cho đến tận bây giờ. Vâng! “Anh đã ngã xuống cho chúng em hôm nay… Cho mùa xuân đến chân trời bóng chim tung cánh/Thân anh đã bón cho đất này thêm xanh…” hay “Người thanh niên cộng sản rạng ngời ý chí đấu tranh/Hiến cả tuổi thanh xuân cho một ngày mai chiến công…” và “Đường em đi thênh thang nhắc tên anh hùng chiến đấu năm xưa/Đường em đi hôm nay bao tự hào mà em luôn nhớ tới/ Trang sử vàng đoàn thanh niên khắc trang sử hồng đội thiếu niên/Gương anh Lý Tự Trọng chúng em nhớ ghi”. Ngày ấy, chúng tôi từng nguyện: “... theo anh suốt đời”.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng, Tỉnh đoàn Bình Dương đã tổ chức Ngày hội theo bước chân anh hùng Lý Tự Trọng và khen thưởng cho 100 gương đoàn viên tiêu biểu cho lớp đoàn viên Lý Tự Trọng, khen thưởng 2 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong diễn đàn Theo bước chân anh hùng Lý Tự Trọng. Ảnh: NGỌC NHƯ
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt) ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp tiếp tục đàn áp dã man, truy lùng gắt gao những người yêu nước. Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, cha mẹ anh đã rời quê hương sang Thái Lan sinh sống và tham gia hoạt động yêu nước. Tại Thái Lan, gia đình ông Lê Hữu Trọng là một trong những cơ sở cách mạng. Sinh ra tại Thái Lan, tuổi thơ của Lê Hữu Trọng gắn liền với làng Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom. Anh được gia đình cho đi học trong trường làng do cụ Đặng Thúc Hứa, một sĩ phu yêu nước tổ chức dạy văn hóa. Vốn có tư chất thông minh, Trọng tiếp thu nhanh, đặc biệt, anh thuộc và say mê văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Năm 1923, cảnh sát Thái Lan và mật vụ Pháp bao vây, truy quét nên trường phải đóng cửa.
Năm 1926, đồng chí Hồ Tùng Mậu, thành viên của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa, truyền đạt yêu cầu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về việc chọn một số con em gia đình Việt kiều yêu nước đưa sang Quảng Châu để đào tạo, chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam. Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được lựa chọn. Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Lý Thụy). Và từ đây, Lê Hữu Trọng được Bác Hồ đặt tên là Lý Tự Trọng nhằm bảo đảm bí mật để hoạt động. Tại đây, qua học tập, rèn luyện thử thách trong đấu tranh thực tiễn, 8 học sinh Việt Nam đều lần lượt được kết nạp vào Đoàn. Lý Tự Trọng là người thứ tám do đến năm 1929, anh mới đủ 15 tuổi và chính thức trở thành một trong những đoàn viên đầu tiên được xác định là thành viên ưu tú để đào tạo làm nguồn nhân lực chủ chốt cho cách mạng.
“Đất nước mãi còn ngợi ca…”
Từ năm 1927 trở đi, tình hình ở Quảng Châu ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 1929, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lúc này, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước và đặc biệt là nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước. Thời gian anh hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến ngày bị bắt và xử tử hình không dài, chỉ trong vòng 3 năm nhưng anh đã cùng với các đồng chí gây dựng cơ sở cho tổ chức của ta trong lòng nhân dân. Và với câu nói nổi tiếng, anh đã trở thành một hình tượng bất tử cho các thế hệ thanh niên.
Tháng 2-1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Lợi dụng lúc bà con đi xem bóng đá tập trung đông ở sân vận động Sài Gòn, các chiến sĩ cách mạng tổ chức một cuộc mít-tinh chớp nhoáng, cờ đỏ búa liềm giương cao, một đồng chí đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp. Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ bảo vệ người diễn thuyết. Giữa lúc ấy tên thanh tra mật thám Pháp Le Grand và bọn cảnh sát cùng ập tới. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết. Sau đó, bị vây hãm ráo riết, Lý Tự Trọng đã bị bắt giam và tra tấn ở khám lớn Sài Gòn. Sau một một thời gian tra tấn không thu được kết quả, bọn chúng đưa anh về xử án, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử tử hình một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành và “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”… Rất tiếc, những tài liệu về phiên tòa và việc thực hiện án tử hình với anh Lý Tự Trọng hiện được lưu lại không nhiều. Trong một bài viết của một nhà báo nước ngoài tên là Ang-đơ-rê Vi-ô-lít về vụ xử tử có đoạn: “Trước máy chém, Trọng định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh hô vang: “Việt Nam! Việt Nam!”.
Nhân dịp 100 năm ngày sinh của anh hùng Lý Tự Trọng, nhắc lại tấm gương giác ngộ cách mạng, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất và sự hy sinh anh dũng đầy quả cảm của anh, chúng tôi muốn gửi gắm một thông điệp rằng, tuổi trẻ hôm nay và mai sau cần tiếp tục cất vang “Hành khúc Lý Tự Trọng”. Trên đường chúng ta đi hôm nay vẫn sáng tên người anh hùng. Đường chúng ta đi hôm nay biết bao tự hào khi nhắc tới tên anh. Lý Tự Trọng, đất nước này sẽ còn mãi ngợi ca…
P.V