Lộc Ninh - Một thời để nhớ
Nếu Tuyên Quang là thủ đô cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, thì Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thời chống Mỹ. Vùng đất này đã đóng dấu son vào lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Khắc vào ký ức của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ từng trải qua những trận đánh ác liệt, tháng ngày gian khổ ở chiến trường này. 40 năm đã qua, dấu giày của họ như còn hằn in trên đất rừng Lộc Ninh, gợi nhớ về một thời oanh liệt, hào hùng. Thị trấn Lộc Ninh ngày nay nhìn từ Nhà giao tế xưa
Ngược dòng thời gian
Huyện Lộc Ninh có diện tích tự nhiên hơn 86.200 ha, trên 100km đường biên giới với nước bạn Campuchia, dân số 117.000 người, trong đó 17% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khmer và Stiêng... Do đất đai phì nhiêu, trước kia thực dân Pháp mộ phu bóc lột sức lao động, khai phá rừng, lập đồn điền cao su, xây dựng khu quân sự nối liền 3 nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia). Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ hất cẳng Pháp, thi hành chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam và xây dựng tại Lộc Ninh sân bay quân sự, trung tâm biệt kích, hệ thống đồn bốt dày đặc nhằm ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng.
Theo ông Đỗ Văn Đủ - người tham gia chiến đấu ở vùng đất này từ năm 1965, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, thì Lộc Ninh là đoạn cuối của đường mòn Hồ Chí Minh, bắt đầu từ Khe Hó - Quảng Trị chạy dọc theo dãy Trường Sơn trùng điệp, với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, dài 16.000km. Đầu năm 1972, cục diện chiến trường miền Nam có nhiều thuận lợi cho cách mạng, do đó rạng sáng ngày 7-4, Trung ương Cục quyết định mở chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, quân giải phóng và hàng ngàn đồng bào dân tộc Stiêng, Khmer, công nhân cao su, đồng loạt nổi dậy, tiến công chi khu quân sự, diệt hơn 3.000 tên địch, bắt sống 1.876 tên, phá hủy toàn bộ phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng Lộc Ninh, làm nức lòng chiến sĩ, nhân dân cả nước.
Lộc Ninh giải phóng, trở thành căn cứ địa của Bộ Chỉ huy Miền, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; sở chỉ huy tiền phương, nơi tập kết các binh đoàn chủ lực chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... đặc biệt từ năm 1973, đường chiến lược 559 - con đường chi viện của hậu phương lớn từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến đánh Mỹ.
Đứng trước các di tích lịch sử như: Nhà giao tế, nơi làm việc của Ban Liên hiệp quân sự 4 bên, Ủy ban Kiểm tra, kiểm soát và Giám sát đình chiến quốc tế. Sân bay Lộc Ninh, nơi đón 43.000 chiến sĩ tù Côn Đảo, Phú Quốc hiên ngang trở về trong vòng tay của người thân, đồng chí, trong đó có bà Võ Thị Thắng, với nụ cười chiến thắng làm kẻ địch phải nghiêng mình. Kho xăng dầu hàng triệu tấn, mà điểm đầu tận Bến Thủy (TP.Vinh, Nghệ An) tới Phước Long, đi qua 1.914km đường ống, 115 trạm bơm đẩy và chứa tại Lộc Hòa, Lộc Quang để phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh... tất cả vẫn còn đó, thời gian 40 năm vẫn chưa thể phai nhòa.
Đi giữa quanh co đồi dốc của thị trấn Lộc Ninh nhỏ bé, tôi cứ ngỡ đi giữa góc phố Đà Lạt cao nguyên. Thị trấn sơn cước đẹp, đậm nét hoang sơ. Trong 40 năm phát triển, cảnh cũ còn, người xưa thì kẻ quên, người nhớ. Đêm Lộc Ninh se lạnh, chợt nao lòng về câu thơ của Tố Hữu:
Phố đông còn nhớ bản làng?
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Người cựu chiến binh già Nguyễn Xuân Nghiêm ở Lộc Ninh từ năm 1966, nay đã vào tuổi thất thập, khẳng định về lịch sử và kinh tế hiện nay có thể tự hào, rằng Lộc Ninh không đến nỗi thua chị kém em. Những cánh rừng bạt ngàn che bộ đội, vây quân thù xưa, nay là màu xanh ngắt của những vườn cao su, tiêu và vườn cây trái sum suê và còn 4.000 ha rừng phòng hộ, 21.000 ha rừng sản xuất. Tâm sự với các cựu chiến binh già, họ đều gửi gắm, nhắn nhủ những ai đã qua đây hãy một lần thăm lại và mong Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng Lộc Ninh phát triển, như tên gọi một thời.
Lộc Ninh trên đường phát triển
Quốc lộ 13, dài hơn 130km tính từ TP.Hồ Chí Minh đến Lộc Ninh, 40 năm trước phải mất hơn 3 năm mới về đến Sài Gòn, nay chỉ mất 3 giờ xe chạy. Hai bên đường bát ngát màu xanh của cao su, điều, tiêu..., thỉnh thoảng điểm xuyết bởi các khu công nghiệp, khu dân cư mới... Ấn tượng nhất đối với chúng tôi, tất cả 16/16 xã, thị trấn của Lộc Ninh đều bắt đầu bằng chữ Lộc, như Lộc An, Lộc Hòa, Lộc Hiệp, Lộc Tấn... Vùng đất “toàn Lộc” này âm thầm mời gọi, quyến rũ người dân đến sinh cơ lập nghiệp. Từ lúc khoảng 20.000 dân, chủ yếu là công nhân cao su và người dân tộc, nay Lộc Ninh đã tròm trèm 117.000 người, đủ các thành phần nhân sĩ, trí thức hội tụ về, với họ đất nước đẹp giàu thì đâu cũng là quê hương.
Theo những người lớn tuổi, 40 năm qua, Lộc Ninh đã nhiều lần thay áo mới. Từ dãy phố nhìn xuống thung lũng, nơi có cái chợ từ thời Pháp thuộc, nay thị trấn đã bừng dậy, mang vóc dáng một đô thị vùng sơn cước. Khu bến xe, 20 năm trước vẫn còn thấp thoáng của rừng, đi lại khó khăn, nay tấp nập người xe sầm uất, buôn bán thâu đêm.
Từ Văn phòng UBND huyện Lộc Ninh phóng tầm mắt ra xa, xung quanh là một màu xanh ngắt của cây lá. Toàn huyện có hơn 86.000 ha, ngoài diện tích rừng, còn lại 54.749 ha đất đã được phủ xanh bằng cây cao su, điều, hồ tiêu và lúa nước. Ông Hoàng Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện nói trong niềm tự hào, khi mới giải phóng, kinh tế, hạ tầng, y tế, giáo dục gần như con số không... huyện chỉ có bộ đội, đồng bào và phu cao su. Sau 40 năm, Lộc Ninh phát triển khá ổn định, gần đây dù bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng liên tục từ 13 - 14,2%/năm.
Thế mạnh của huyện là cây công nghiệp. Từ vài ngàn ha cao su thời Pháp, nay huyện đã có hơn 20.000 ha, trong đó 60% đã đưa vào khai thác, mỗi năm thu hàng ngàn tấn mủ, trị giá vài trăm tỷ đồng. Lộc Ninh còn là thủ phủ cây hồ tiêu, với diện tích hơn 4.000 ha. Tổng sản phẩm thu nhập năm 2011 đạt hơn 1.190 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 9,5 triệu đồng/người năm 2005, tăng lên 21 triệu đồng/người năm 2011; thương mại - dịch vụ tăng nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt hơn 1.280 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt hơn 334 tỷ đồng... Cứ đà này vài năm nữa Lộc Ninh sẽ còn thu nhiều “Lộc” nữa.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần, chất lượng sống người dân trong huyện ngày một ổn định và cải thiện không ngừng. Nếu năm 1975 cả huyện chỉ có 2 trường học, thì nay đã có 54 trường phủ khắp các xã, với 99,5% học sinh 6 tuổi vào lớp 1; 100% xã, thị trấn đạt phổ cập GDTH cơ sở; 15/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã có hệ thống giao thông.... Trung bình mỗi năm giảm 200 hộ nghèo; người Stiêng, Khmer định canh, định cư, biết canh tác lúa nước, trồng cây lâu năm... đoàn kết, hăng hái xây dựng nông thôn mới, họ đang ra sức làm giàu trên quê hương mình.
Dẫn chúng tôi đi trong bạt ngàn của rừng cao su đang mùa thu hoạch, ông Nguyễn Tiến Cường, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh tỏ ra tiếc rẻ, nếu không khủng hoảng kinh tế thì Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, diện tích 2.850 ha, với cơ sở hạ tầng tốt, giáp biên giới nước bạn Campuchia đã lấp gần kín và là động lực kéo Lộc Ninh nói riêng, Bình Phước nói chung phát triển hơn nữa. So với nơi khác, cơ sở vật chất còn nghèo... những ai từng chứng kiến sự hoang tàn của chiến tranh, những ai từng gắn bó với vùng đất này mới thấy sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, nhân dân Lộc Ninh 40 năm qua là kỳ tích. Từ 351 đảng viên năm 1979, đến nay Đảng bộ Lộc Ninh đã có 1.815 đảng viên. Ý chí, nghị lực của những người khát vọng xây dựng Lộc Ninh - vùng đất phên dậu của Tổ quốc giàu đẹp, đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang và 2 Huân chương Độc lập hạng nhì, hạng ba.
Chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh Nguyễn Quốc Tọa thêm vào, nếu tuyến đường sắt, đường bộ từ TP.Hồ Chí Minh đi các nước Đông Dương được Nhà nước quan tâm đầu tư sớm, thì diện mạo kinh tế - xã hội của Lộc Ninh còn nhiều thay đổi. Khi đó chỉ một ngày thương gia, khách du lịch có thể ăn cơm 3 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan), tối về Việt Nam ngủ là chuyện thường.
Đến cửa khẩu Hoa Lư, chạm tay vào cột mốc linh thiêng của Tổ quốc, người có tầm kém như chúng tôi, cũng thấy Lộc Ninh có vị trí chiến lược, tiềm năng phát triển kinh tế - dịch vụ du lịch rất lớn, nhưng chưa được Nhà nước đầu tư đúng mức. Quả thật quốc lộ 13, vì thiếu vốn nên phải thi công cầm chừng. Từ thị xã Bình Long đến Lộc Ninh chỉ gần 30km mà như đi trong “chuyến xe bão táp”. Tiếc nhất là các khu di tích lịch sử quốc gia đầy huyền thoại, oanh liệt một thời như: Ban Liên hợp quân sự 4 bên; Kho xăng dầu Lộc Hòa, Lộc Quang; Sân bay quân sự; Khu căn cứ cách mạng Tà Thiết, nơi Đại tướng Lê Đức Anh, Chính ủy Phạm Hùng, nữ tướng Nguyễn Thị Định... từng ở và làm việc trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ... Tất cả đều là các bảo tàng sống, rất cần được bảo dưỡng, khai thác tối đa để giáo dục thế hệ trẻ về tháng năm hào hùng mà cha anh đã sống, chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương đất nước.
Xin mượn lời của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, khi nói về Lộc Ninh: “...Đó là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, hy sinh to lớn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của đồng bào Kinh, Thượng, của biết bao con người trên mọi miền đất nước đã sống và chiến đấu trên vùng đất đỏ Lộc Ninh”. Ngoài kia giọng ai ngân lên: “Ai về xứ sở giàu hoa ấy/Lộc Ninh ơi! Xinh một cụm hồng...”.
LÊ THẨM