Loay hoay chuyện thi cử
Mới đây, tại hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức, dù ghi nhận quyết tâm của Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi “hai trong một” sớm hơn 2 năm so với lộ trình, nhưng bất ngờ đa số ý kiến từ các chuyên gia tại hội thảo lại đề nghị Bộ GD-ĐT nên tách 2 kỳ thi độc lập trở lại. Lý do là kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” vừa qua đã lộ rõ bất cập vì phải cố gò mình cho hai mục tiêu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ không thể đồng nhất.
(BDO)
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã đạt được một số thành công như giảm bớt một kỳ thi, giảm tốn kém cho xã hội, cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi và xét tuyển còn bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh trong những năm tới.
Đa số ý kiến đề xuất giao kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 cho địa phương tổ chức, cho học sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 trước khi thi THPT quốc gia, bỏ ngưỡng điểm xét tuyển ĐH, CĐ… Cụ thể, đối với kỳ thi THPT quốc gia, không nên tổ chức 2 cụm thi như năm nay mà nên giao cho các sở GD-ĐT tổ chức, để học sinh không phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Không để cho thí sinh từ nơi này đến nơi khác, tất cả đều thi ở địa phương mình, còn tổ chức như thế nào đó là việc của Sở GD-ĐT kết hợp với các trường ĐH, CĐ. Nên cho thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nguyện vọng 1 trước khi diễn ra kỳ thi. Làm như vậy, sẽ tránh được tình trạng thí sinh chọn trường theo điểm thi thay vì chọn trường theo sở thích, năng lực như năm nay.
Một số ý kiến cũng kiến nghị, Bộ GD-ĐT nới rộng điểm ngưỡng xét tuyển ĐH, CĐ để tạo thêm nguồn tuyển cho bậc học này, cho phép các trường tuyển sinh 2 đợt trong 1 năm thay vì chỉ 1 đợt như hiện nay. Bộ GD-ĐT đã bớt đi một kỳ thi cũng nên rút ngắn thời gian, giao trọn vẹn quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT chỉ giữ trách nhiệm ban hành quy chế, thanh tra, kiểm tra, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh để phù hợp với nhu cầu nhân lực các ngành nghề.
Bao nhiêu năm nay, việc đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử luôn được cả xã hội quan tâm. Điều này đã thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của cộng đồng. Dù sao trong quá trình thực hiện đổi mới cũng phải hết sức thận trọng. Và có áp dụng phương án tối ưu nào thì việc đổi mới cũng phải lấy quyền lợi người học làm trung tâm, làm đầu.
NHẬT HUY