Loạn... heo rừng lai!

Thứ ba, ngày 28/12/2010

Trong vài năm trở lại đây việc nuôi heo rừng lai đã trở thành phong trào của nhiều người. Tuy nhiên sự phát triển ồ ạt của mô hình này đã gây ra nhiều hệ quả khó lường.

Từ chăn nuôi thiếu khoa học...

Thơi điểm phong trào chăn nuôi heo rừng lai phát triển rầm rộ nhất là vào các năm 2007-2008. Lúc này với giá trị kinh tế cao, chăn nuôi heo rừng lai là một nghề thời thượng thu hút nhiều người tham gia. Nhiều người ở thành thị đã đổ xô về các huyện Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng mua đất hoặc thuê đất mở trang trại nuôi heo rừng lai. Các hộ dân vùng quê cũng bắt tay chăn nuôi loài vật này. Hiện mô hình chăn nuôi kiểu này xuất hiện khá nhiều nhưng hiệu quả kinh tế không như mong muốn. Do thiếu các kiến thức cơ bản về chăn nuôi, nhất là lại nuôi loài vật “khó tính” như heo rừng lai nên dẫn đến “phá sản”. Hiện lượng heo rừng lai chăn nuôi tại các hộ dân là khá lớn. Do thiết kế chuồng trại chưa đủ chuẩn (chuồng trại không có nơi cho heo vận động), chọn giống không đạt yêu cầu (không có con giống thuần chủng mà người ta gọi là giống rặt), thức ăn không đúng chuẩn... nên nhiều chủ nhân các mô hình chăn nuôi đã phải “vỡ mộng” với con heo rừng lai.

 

Nếu chăn nuôi bài bản thì đây là mô hình kinh tế hiệu quả

Anh Vũ - chủ trang trại nuôi heo rừng lai tại Phú Giáo cho biết: “Nếu biết cách áp dụng các tiêu chuẩn về chăn nuôi heo rừng lai thì việc chăn nuôi sẽ rất dễ dàng. Các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ dân chỉ ổn định ở thời gian 2-3 năm đầu do sức đề kháng của heo còn cao. Sau đó bắt đầu xuất hiện những bất ổn. Hiện nay do việc chăn nuôi tràn lan, thiếu quy hoạch mà giá trị đích thực của con heo rừng lai đang bị giảm xuống”.  

... đến chuyện “heo thật - heo giả”

Trước đây nghề nuôi heo rừng lai là một thú chơi thời thượng và cũng như là mô hình làm ăn hiệu quả của nhiều người thì hiện nay các mô hình này đang bị lung lay. Nhiều người đã từ bỏ ý định nuôi loài vật này do thấy giá trị kinh tế của nó đang xuống dần và cũng vì hiện nay để tìm con heo giống gốc rừng không còn dễ dàng như trước nữa. Và việc chăn nuôi tràn lan loại vật nuôi này nên đã bắt đầu xuất hiện những bất ổn.

Do chăn nuôi không hợp lý, chất lượng thịt không đạt yêu cầu, con giống bán không được nên nhiều người đã bán thịt ra thị trường với giá rẻ gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các trang trại chăn nuôi heo rừng lai “chân chính”. Nhiều chủ trang trại cũng đã phải đau đầu về chuyện “heo giả, heo thật” này. Chỉ những trang trại làm ăn lâu năm có uy tín cũng như có các mối mua ổn định mới có thể tồn tại được. Còn với những trang trại chăn nuôi không linh động thì rất dễ bị phá sản. Hiện nay việc chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không còn rầm rộ như trước, tuy nhiên nó lại đang phát triển mạnh tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Phước... Thịt heo từ các tỉnh này tuồng vào Bình Dương rất nhiều. Điều đáng lo là đã xuất hiện loại thịt với “thương hiệu” heo rừng lai nhưng độ thơm, ngon của loại thịt này là thấp hơn hẳn với thịt heo tại các trang trại trên địa bàn tỉnh. Nhiều người đang nghi ngờ về nguồn gốc đích thực của loại thịt này, cho rằng rất có thể đây là heo nái già mà các tay thương lái mua tại các trang trại thanh lý sau đó đem về “phù phép” cho giống thịt heo rừng lai rồi đem bán.  Thường loại thịt này được cung cấp cho các nhà hàng ăn uống giá rẻ hơn rất nhiều với khẩu hiệu “muốn mua bao nhiêu cũng có”.

Đầu ra cho loại vật nuôi này cũng bấp bênh không kém so với các loại vật nuôi khác. Nhiều chủ trang trại cũng đã được các siêu thị liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng do nguồn heo thu gom không ổn định nên họ cũng không dám ký. Anh Bảo - chủ trang trại nuôi heo rừng lai tại xã An Linh (Phú Giáo) cho biết: “Hiện nay hầu hết các trang trại chăn nuôi phải tự tìm đầu ra. Để có thể ký hợp đồng tiêu thụ đòi hỏi cần phải xây dựng được các đầu mối tập trung thu gom heo từ các trang trại, các hộ chăn nuôi. Và đặc biệt là cần phải tẩy chay các loại thịt heo rừng giả”. Hiện cách bán thịt heo thương phẩm mà các trang trại áp dụng là xẻ từng con đem bán tại các chợ hoặc ngay trên đường. Tuy nhiên việc bán kiểu này cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khắc nghiệt do thịt heo rừng giá rẻ từ các địa bàn khác tuồn về rất mạnh. Thời gian gần đây không mấy khó khăn để nhận ra các lồng kính với bảng hiệu thịt heo rừng xuất hiện khá nhiều tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh với giá bán rất rẻ.

Nhiều người nuôi heo rừng lai lâu năm cho biết rằng nếu chăn nuôi đúng bài bản thì đây chính là mô hình xóa đói giảm nghèo cho nhiều người. Nhưng với tình hình hiện nay để có thể “cứu vãn” được con heo rừng lai chân chính cần phải tẩy chay heo rừng lai giả và xây dựng được các nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người chăn nuôi tại địa phương.

CAO SƠN