Lo và mừng từ một giải đấu!
Các cô gái Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam (ĐTVN) đã có một giải đấu đáng nhớ nhưng cũng hết sức đáng tiếc tại Giải Vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2015 vừa kết thúc tại TP.HCM. Nhìn lại hành trình của ĐTVN tại giải, lẽ ra thầy trò HLV người Nhật Bản Takashi có thể đạt thành tích tốt hơn vị trí hạng 4 chung cuộc, nếu như đội chủ nhà có những tính toán hợp lý, chính xác hơn
(BDO)
ĐTVN (trái) trong trận thua ngược Thái Lan ở bán kết
Xem cách U20 Australia thi đấu trước Myanmar (bán kết) và ĐTVN (tranh hạng 3) thì rõ ràng cần phải xem lại đánh giá của Ban huấn luyện ĐTVN và các chuyên gia tư vấn của đội chủ nhà khi cho rằng U20 Australia mới là đối thủ mạnh nhất bảng A. Đánh giá này được hình thành từ việc U20 Australia đã bất ngờ đánh bại Thái Lan với tỉ số 3-0 ở lượt trận đầu tiên sau đó giành ngôi nhất bảng A, còn Thái Lan xếp nhì bảng. Đáng chú ý, do ĐTVN (bảng B) lúc nào cũng được thi đấu sau các đội bảng A một ngày; cộng với thực lực của các đội tại bảng B, cho thấy 2 suất vào bán kết chắc chắn khó thoát khỏi tay đội chủ nhà và Myanmar - hai đội có trình độ vượt trội so vơi các đội còn lại là Malaysia, Philippines. Vì thế, ĐTVN hoàn toàn có thể kiểm soát và chủ động đưa ra những tính toán có lợi nhất trong việc lựa chọn đối thủ mà mình sẽ gặp ở bán kết.
Nói vậy để thấy rằng người Thái quả có những tính toán rất cao tay để bảo đảm cho việc thẳng tiến vào chung kết và sau đó đoạt luôn ngôi vô địch. Nên nhớ, Thái Lan đã để thua U20 Australia trong trận đấu mà họ không đưa vào sân những quân bài tốt nhất ngay từ đầu trận và họ đã thành công trong việc “giấu mình” trước sự quan sát của những đối thủ có thể gặp ở bán kết là ĐTVN và Myanmar. Theo đánh giá của một HLV lão luyện của bóng đá Việt Nam, với việc đã từng thua Thái Lan trong 2 lần đối đầu tại chung kết SEA Games 27 và trận play-off xác định đội dự VCK World Cup bóng đá nữ tại Canada năm 2015, ĐTVN không nên cố giành ngôi đầu bảng B để phải chạm trán người Thái (nhì bảng A) ở bán kết. Còn nói gần hơn, BHL ĐTVN, trong đó có các trợ lý cử theo dõi, ghi nhận lối chơi của U20 Australia và Thái Lan đã không đánh giá chuẩn xác về 2 đối thủ này. Kết quả như đã biết, Thái Lan hoàn toàn lột xác khi đá ở bán kết (thắng ngược ĐTVN 2-1) và chung kết (đánh bại Myanmar). Trong khi đó, U20 Australia qua những gì đã thể hiện trong trận thua 0-1 trước Myanmar ở bán kết và chiến thắng 4-3 ở những giây bù giờ cuối cùng trước ĐTVN, cho thấy họ là đối thủ dễ chinh phục hơn nhiều so với Thái Lan.
Ở góc độ khác về chuyên môn, việc HLV trưởng Takeshi (ký hợp đồng với VFF từ ngày 4-3) và ĐTVN chỉ có 2 tuần chuẩn bị cho giải đấu này phần nào đó cho thấy, đội bóng chủ nhà chưa có được sự chuẩn bị chu đáo bằng các đối thủ, nhất là Thái Lan đang tăng tốc hướng đến việc tranh tài ở VCK World Cup tại Canada 2015. Chưa kể, khả năng kết hợp ăn ý giữa Minh Nguyệt - Tuyết Dung cũng như các cầu thủ vệ tinh xung quanh là chưa tốt, do chưa thi đấu bên nhau nhiều. Hàng thủ còn mắc nhiều sai sót mang tính cơ bản, trong khi hàng tấn công vừa thiếu một mẫu trung phong như Romyen (23) của Thái Lan, vừa yếu trong khả năng dứt điểm từ tuyến 2, tận dụng cơ hội để ghi bàn.
Về sâu xa hơn, thể lực ĐTVN có sự tiến bộ vượt bậc, nhưng về thể hình thì cần phải cải thiện nhiều. Và quan trọng hơn, ĐTVN quá thiếu những cầu thủ bản lĩnh, có kinh nghiệm trận mạc quốc tế đang thi đấu cho các CLB tại châu Âu, Nhật Bản như Thái Lan. Dẫu vậy, với những tín hiệu tốt từ lối chơi, sức trẻ của ĐTVN hiện tại, có lý do tin rằng nếu cải thiện được những hạn chế trong hiện tại thì bóng đá nữ Việt Nam chắc chắn sẽ có tương lai xán lạn!
CHÍ THANH