Lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ tại Bình Dương: Đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Sau hơn 16 năm chia tách và tái lập tỉnh, công nghiệp (CN) Bình Dương đã phát triển nhanh chóng. CN phát triển đã và đang mở ra những cơ hội lớn cho các lĩnh vực thương mại và dịch vụ (TM-DV) cùng phát triển. Do vậy, Bình Dương hiện đang là “vùng đất lành” cho những doanh nghiệp (DN) hoạt động trên các lĩnh vực này…
Công nghiệp phát triển vượt bậc
Nhìn lại chặng đường sau hơn 16 năm tách tỉnh, CN Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc. So với năm 1997, thời điểm tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, giá trị sản xuất CN hàng năm của Bình Dương tăng gấp 32 lần và hiện đạt trên 141.000 tỷ đồng/năm; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng bình quân 24%/năm và tăng gấp 24 lần so với năm 1997; cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng dần tỷ trọng CN và DV, giảm dần nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 62% - 34,2% và 3,8%. Sự tăng trưởng này đã tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập, tạo đà để tiếp tục hấp dẫn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước trong giai đoạn mới.
Quan tâm đến lĩnh vực TM-DV tại Bình Dương, nhiều DN trong nước đã tham gia Hội nghị “Doanh nhân đồng hành kết nối giao thương” để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Bình Dương
Để thúc đẩy CN phát triển, thời gian qua Bình Dương đã chú trọng huy động mọi nguồn lực vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng CN, giao thông và đô thị. Nhờ vậy, đến nay Bình Dương đã có 28 KCN tập trung và 8 cụm CN với diện tích hơn 15.000 ha. Cũng nhờ hạ tầng CN, giao thông và đô thị phát triển mà đến nay, Bình Dương đã thu hút được hơn 13.000 DN trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 115.000 tỷ đồng (tăng 12 lần so với năm 1997); 2.160 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ USD (tăng hơn 15 lần so với năm 1997) cả về số lượng dự án lẫn số vốn đầu tư. Chính sự đầu tư của DN trong và ngoài nước vào lĩnh vực CN đã tạo ra tiềm năng để các lĩnh vực TM-DV cùng phát triển, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN trong lĩnh vực này.
Tạo cơ hội cho thương mại - dịch vụ
Định hướng phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho DN khi đầu tư vào Bình Dương. Nhằm giúp DN nắm bắt được những cơ hội và ưu đãi khi đầu tư vào Bình Dương, Công ty Becamex IJC sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Vốn ngoại ồ ạt vào Bình Dương”. Hội thảo diễn ra tại khách sạn New World vào ngày 25-5 tới. Tại hội thảo, Becamex IJC còn giới thiệu về sự phát triển của Bình Dương và thành phố mới, cơ hội kinh doanh của DN… Để biết rõ chi tiết và tham gia sự kiện này, DN có thể liên hệ với Becamex IJC qua số điện thoại: 0909.544443.
Thực tế trong những năm qua, để có thể phát triển tương đồng và phục vụ cho lĩnh vực CN, Bình Dương cũng đã chú trọng kêu gọi DN đầu tư phát triển hạ tầng TM-DV. Tại Bến Cát, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một, nhiều khu đô thị mới đang được hình thành, trong đó có những khu vực được xây dựng để trở thành những khu phố TM-DV. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng thực sự, cơ cấu DV của tỉnh hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, định hướng trong thời gian tới, Bình Dương sẽ phấn đấu tăng tỷ trọng TM-DV trong GDP lên 42,2% so với 34,2% hiện nay. Để làm được điều này, Bình Dương sẽ đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, cụ thể nếu năm 2010 tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 40% thì đến năm 2015 tỷ lệ này sẽ đạt 50% và tăng lên 75% vào năm 2020. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN trong các lĩnh vực này cùng phát triển.
Tại những khu đô thị mới của Bình Dương, các khu phố dành cho DN kinh doanh trong các lĩnh vực TM-DV đang được mở ra. Và, với vị trí là trung tâm của các tỉnh miền Đông Nam bộ cùng lợi thế sức mua trẻ, Bình Dương chính là “vùng đất lành” cho các DN TM-DV. Khẳng định điều này, tại hội nghị “Doanh nhân đồng hành kết nối giao thương” vừa diễn ra, ông Huỳnh Quốc, Giám đốc Công ty Quang Phát đến từ TP.HCM, cho rằng Bình Dương là thị trường tiềm năng để DN TM-DV phát triển. Nêu dẫn chứng, ông Quốc cho rằng nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh miền Đông Nam bộ, CN Bình Dương đang phát triển mạnh nên thu hút được một lượng dân cư từ các tỉnh, thành khác trong nước đến làm ăn, xu hướng tiêu dùng theo đó ngày càng gia tăng, cộng với sức mua trẻ… là những yếu tố hàng đầu giúp TM-DV Bình Dương nhanh chóng phát triển theo. Còn theo đúc kết chung của nhiều nhà đầu tư thì với hạ tầng hoàn chỉnh, CN và đô thị phát triển nhanh, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng… là những yếu tố để DN đầu tư vào lĩnh vực TM-DV chiếm lấy thế “thượng phong” trong giao thương, trao đổi hàng hóa.
VỆ GIANG