Linh hoạt thích ứng, nỗ lực sản xuất, kinh doanh

Thứ sáu, ngày 12/11/2021

(BDO) Đại dịch Covid-19 đặt ra các thách thức thay đổi đối với doanh nghiệp (DN) để trụ vững và phát triển. Để thích ứng, nhiều DN từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt bắt nhịp sản xuất, quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

 Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Hưng Hải Thịnh (Cụm công nghiệp Tam Lập, huyện Phú Giáo)

 Khôi phục

Hiện nay, phần lớn các DN đang chuyển dần từ mô hình sản xuất “3 tại chỗ” sang mô hình “3 xanh” (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh) để phù hợp với tình hình mới. Người lao động rất phấn khởi khi trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc, có thu nhập ổn định trong những ngày cuối năm. Ông Lee Jaehong, Giám đốc điều hành Công ty Pungkook Sai Gon (TP.Thuận An), cho biết trên thực tế, khi nhập cuộc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, DN chịu nhiều khó khăn như chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, lực lượng lao động, chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh... Dù rất cấp thiết trong việc khôi phục sản xuất để giữ các đơn hàng, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng DN đều đồng thuận chủ trương “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” để có giải pháp triển khai phù hợp nhất.

Ông Phạm Hồng Phước, Giám đốc Công ty An Khang Furniture (TX.Tân Uyên), cho biết những đơn hàng chưa kịp hoàn thành khách hàng đồng ý lùi lại. Chính vì vậy, khi hoạt động trở lại, công ty chạy nước rút để đáp ứng. “Khách hàng đã thông cảm cho nhà sản xuất trong thời gian khó khăn, nhà sản xuất phải có trách nhiệm hoàn thành đơn hàng khi có thể. Đây cũng là cách mà DN giữ chân khách hàng, tránh để rơi vào tay các DN cùng ngành ở các nước khác trên thế giới”, ông Phước bày tỏ.

Bên cạnh nỗ lực giữ chân khách hàng, người lao động, hoạt động chuyển đổi số hiện cũng được DN triển khai quyết liệt giúp liên kết giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với nền tảng số. Ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty Thương mại và dịch vụ hàng hóa Phương Nam (VSIP 1), cho biết để thích ứng với tình hình mới, DN tăng cường trải nghiệm trên nền tảng số, số hóa quy trình vận hành, kinh doanh. Mặt khác, phải tái cấu trúc lại mô hình DN, tập trung vào chiến lược cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

Trên thực tế không thể có một công thức chung nào về chiến lược để phù hợp với tất cả DN do lĩnh vực, mức độ ảnh hưởng và chiều hướng tác động khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, các DN có thể áp dụng theo các giải pháp ưu tiên. Hiện rất nhiều DN cần thiết lập đội, nhóm phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về nguyên vật liệu, nhân sự, cung ứng, nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Mở rộng sản xuất

Tín hiệu lạc quan là trong thời điểm hiện nay các DN không những ổn định, mà còn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Minh Hà, Giám đốc nhà máy sản xuất Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh (Cụm công nghiệp Tam Lập, huyện Phú Giáo), chia sẻ nhờ chủ động các phương án, địa phương khống chế dịch bệnh tốt, đến nay công ty bảo đảm duy trì sản xuất 100% công suất. Đó là “bàn đạp” để bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu và đón đầu cơ hội, chuẩn bị các điều kiện để mở rộng sản xuất.

Xác định trong nguy luôn có cơ, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) hiện đã tập trung vào một số giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ DN thành viên phát triển. Trong đó, thực hiện tối ưu các chi phí, xây dựng lại quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. BIFA liên tục họp online nhằm động viên tinh thần DN. Đồng thời, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để tăng cơ hội tìm kiếm khách hàng, duy trì giao tiếp trong bối cảnh dịch bệnh, mở rộng thị trường, tiếp cận thêm các kênh đầu tư.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, khẳng định trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, làn sóng chuyển đổi số trong DN để thích nghi với tình hình sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cộng đồng DN trong tỉnh đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới bằng cách áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành. “Từ sự chủ động của DN và sự hỗ trợ của chính quyền, tin tưởng rằng việc chuyển đổi số sẽ góp phần giúp DN phát triển bền vững. Đặc biệt trong giai đoạn thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, DN có thêm điều kiện phục hồi nhanh chóng”, bà Châu cho biết.

 Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương: Thông tư 03/2021/ TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN liên quan tới quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, bổ sung việc không chuyển nhóm nợ của các DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 là động thái để các ngân hàng chia sẻ khó khăn với DN hiện nay. Cũng trên nền tảng này, hiện các ngân hàng thương mại nỗ lực “gánh vác” khó khăn cùng cộng đồng DN, đưa ra những chính sách về lãi suất, các gói hỗ trợ, đơn giản hóa các thủ tục…

 TIỂU MY