Linh hoạt thích ứng, hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển

Thứ sáu, ngày 04/03/2022

(BDO)  Ngày từ đầu năm 2022, Bình Dương nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của tỉnh trong năm 2022 tăng 8 - 8,3% so với năm 2021.

 Công ty TNHH Thiên Phiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên) đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh mới đây, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương “tăng tốc” từ đầu năm để triển khai thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là tiếp tục phòng, chống dịch bệnh để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả; nhanh chóng khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững.

Năm 2022 phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16%; huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33,3% GRDP của tỉnh và tăng 10% so với năm 2021. Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu, hỗ trợ đối tác, tập đoàn lớn có trình độ tiên tiến, công nghệ cao, đứng đầu ngành hoặc chuỗi giá trị. Phấn đấu tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2022 đạt 8 - 8,3%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục lấy công nghiệp - dịch vụ làm chủ đạo với tỷ trọng tương ứng các ngành công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là 67,41% - 21,87% - 3,05% - 7,67%. GRDP bình quân đầu người đạt 169,8 triệu đồng/năm.

Ông Võ Văn Minh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường sản xuất, kinh doanh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập, phấn đấu trong năm 2022 đạt trên 6.500 doanh nghiệp; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho DN và người dân.

Chủ động vượt khó

Ngoài sự nỗ lực của các ngành cấp tỉnh, các địa phương cũng quyết tâm cao trong khôi phục và phát triển kinh tế. Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, dịch bệnh được kiểm soát, địa phương sẽ tạo điều kiện tốt cho DN trên địa bàn tăng tốc sản xuất. Sự phục hồi nhanh của DN là tín hiệu lạc quan, tạo đà cho bước tăng trưởng kinh tế của địa phương trong năm 2022. Theo khảo sát, các DN tại TX.Tân Uyên cũng đã khôi phục sản xuất được trên 90% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Nhiều DN trên địa bàn đang gặp một số khó khăn về vốn đầu tư, logistics, lao động… tuy nhiên, xác định đó là khó khăn chung, các DN nỗ lực thích ứng để tồn tại và phát triển. Ông Zheng Xia, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Phiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên), cho biết hiện nay công ty tăng tốc để thực hiện các đơn hàng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, bù đắp cho những thiệt hại từ trong dịch bệnh. Công ty cũng tuyển thêm lao động để đẩy nhanh tiến độ mở rộng nhà máy để phát triển sản xuất theo kế hoạch đã đặt ra từ năm 2021.

Ông Hoàng Ngọc Yến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhựa Nhị Bình (KCN VSIP 2), cho biết công nhân của công ty đã trở lại làm việc đạt 100%. “Đầu năm 2022, công ty cũng thông báo mức lương năm mới tăng 15% so năm trước để người lao động phấn khởi. Với sự trở lại của người lao động làm việc đầy đủ, bảo đảm 100% dây chuyền sản xuất đều hoạt động sẽ giúp công ty hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Công ty tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 25% đặt ra trong năm 2022”, ông Yến cho biết thêm.

 Để kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguồn lực lao động cho DN, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm với định kỳ 2 phiên/ tháng, tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến; đẩy mạnh hoạt động tư vấn - giới thiệu, đặc biệt là thực hiện việc liên kết tuyển dụng lao động với các tỉnh có nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, hướng dẫn DN tiếp tục thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi nhằm giữ chân người lao động, đồng thời thu hút nguồn lao động mới.

 TIỂU MY