Linh hoạt, đổi mới trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ
(BDO) Sáng qua (4-8), Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã phối hợp tổ chức hội nghị tọa đàm “Thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) của Đảng hiện nay tại Đảng bộ tỉnh Bình Dương”. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị tọa đàm. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đổi mới trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhấn mạnh trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng 93 năm qua, Đảng ta luôn kiên trì nguyên tắc TTDC và coi đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, chỉ đạo toàn bộ việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất, đồng thời không ngừng phát huy dân chủ trong Đảng. Đảng ta nhiều lần khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”.
“Vấn đề bức thiết đặt ra là cơ chế thực thi nguyên tắc TTDC - một nguyên tắc cơ bản, căn cốt về tổ chức và hoạt động của Đảng - cần phải được thay đổi, hoàn thiện để phát huy vai trò quan trọng của mình, tạo nên sức mạnh nội sinh của Đảng trong dòng chảy thời đại, hợp quy luật, hợp lòng dân, bắt nhịp với sự vận động phát triển không ngừng của Việt Nam trên vũ đài quốc tế...”, đồng chí Cao Văn Thống nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định Đảng bộ tỉnh Bình Dương qua các nhiệm kỳ cho đến nay cơ bản luôn đoàn kết thống nhất, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc TTDC. Trong nội bộ Đảng, trong hệ thống chính trị luôn đoàn kết thống nhất. Ngoài xã hội, trong doanh nghiệp cũng đoàn kết, đồng lòng. Điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp để tỉnh vượt qua những khó khăn, thử thách. Và cũng chính nhờ tuân thủ và vận dụng sáng tạo nguyên tắc TTDC mà Bình Dương có được kết quả như ngày hôm nay… |
Tại hội nghị tọa đàm, các ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá việc thực thi nguyên tắc TTDC trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng tại cơ quan, đơn vị; phân tích cách thức thực hiện, những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, qua thực tiễn thực thi nguyên tắc TTDC, một số địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm mới, linh hoạt, sinh động song vẫn bảo đảm nguyên tắc.
Đồng chí Hồ Phương Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Bến Cát, cho biết một trong những kết quả nổi bật của thị xã là việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong thực thi nguyên tắc TTDC. Cụ thể, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Ban Thường vụ Thị ủy Bến Cát đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/ TU ngày 18-12-2016 về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2016-2020. Trong công tác ứng dụng CNTT, trừ các nội dung thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước, đến nay 100% tài liệu họp được gửi trên hệ thống mạng (quét mã QR); 100% văn bản đều được số hóa, quản lý và chuyển xử lý trên phần mềm; 100% văn bản đi của Thị ủy được ký số theo quy định; 80% văn bản được thẩm định trên máy tính (không in và sửa trên giấy)…
Nhiều kiến nghị hoàn thiện các cơ chế
Phát biểu tham luận tại hội nghị tọa đàm, bên cạnh nêu bật những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các đại biểu đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các cơ chế thực thi nguyên tắc TTDC của Đảng. Nhiều đại biểu kiến nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc TTDC trong Đảng; làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc TTDC trong tình hình mới. Nguyên tắc TTDC phải được thực hiện theo đúng điều lệ Đảng và phối kết hợp chặt chẽ với các nguyên tắc khác như tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng... để bảo đảm thực thi hiệu quả, toàn diện, đồng bộ trong hoạt động của tổ chức Đảng.
Toàn cảnh hội nghị tọa đàm. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Một số đại biểu kiến nghị, cần quan tâm và lựa chọn, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đủ bản lĩnh, năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, vận dụng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, Trung ương cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung để hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng hiện nay, nhất là tổ chức Đảng ở cấp địa phương (Đảng đoàn, ban cán sự Đảng) nhằm thực hiện hiệu quả nguyên tắc TTDC trong Đảng...
“Trung ương xem xét, nghiên cứu, bổ sung quy định, chỉ thị, hướng dẫn về nguyên tắc TTDC và việc áp dụng nguyên tắc này trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thể chế hóa, cụ thể hóa chi tiết hơn việc áp dụng nguyên tắc TTDC trong hoạt động quản lý của Nhà nước, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với từng loại hình của tổ chức Đảng. Rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế và tìm ra những điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong nhận thức và hoạt động của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị…”, đồng chí Huỳnh Tân Định, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đề xuất.
Phát biểu tổng luận tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh các ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm đã tập trung khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực thi cơ chế, nguyên tắc TTDC bằng những kinh nghiệm, cách làm rất sinh động, vừa giữ được nguyên tắc nhưng cũng có nhiều đổi mới, linh hoạt, vận dụng sáng tạo trong quá trình công tác ở địa phương, đơn vị. Các ý kiến đã cung cấp những cách làm có nguyên tắc, có sáng tạo, đồng thời đã đưa ra những vấn đề mang tính dự báo rất sâu sắc.
Đồng chí Trần Thanh Lâm cho rằng những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tập trung vào ba nhóm vấn đề. Đó là đề xuất chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện nguyên tắc TTDC. Đây là bài học kinh nghiệm và phương pháp, nhiệm vụ này ở đâu cũng luôn đề cao. Các đại biểu đề xuất cần hoàn thiện các quy chế làm việc, cơ chế chính sách, các quy định để phát huy việc thực thi cơ chế TTDC trong Đảng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu...
Đồng chí Trần Thanh Lâm cho biết trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài, Ban Tổ chức trân trọng ghi nhận, tiếp thu có chọn lọc các ý kiến để hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới...
Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc TTDC của Đảng hiện nay tại Đảng bộ tỉnh Bình Dương, cho thấy việc thực thi nguyên tắc TTDC của các tổ chức Đảng trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội được chú trọng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức. Các cấp ủy chỉ đạo và tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217, 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và thực hiện nghiêm việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn… |
TRÍ DŨNG