Liên quan đến vụ đại úy công an hy sinh khi truy bắt cát tặc: Nhóm “cát tặc” có thể đối diện với tội danh gì?

Thứ sáu, ngày 14/08/2020

(BDO) Liên quan đến vụ khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai, cuộc chiến chống “cát tặc” và sự hy sinh của đại úy Lê Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên khiến dư luận bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ. Sau đây là ý kiến của một số luật sư về tội danh mà các đối tượng có thể đối diện trong trường hợp này.

Thạc sĩ, Luật sư Trương Quốc Hưng, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, luật sư Công ty Luật Becamex:

Hành vi khai thác cát lậu vi phạm nguyên tắc hoạt động khoáng sản được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010. Theo đó, chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Khoáng sản 2010, một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm về hoạt động khoáng sản mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 48 Nghị định 36/2020/ NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định xử phạt hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản thì có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng tùy vị trí và khối lượng khoáng sản đã khai thác. Đồng thời, hành vi này có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm” và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra và buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, người nào thực hiện hành vi nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (cát) mà không có giấy phép khai thác cát hoặc không đúng với nội dung giấy phép khai thác cát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 227 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên với mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Hành vi chống đối lại lực lượng chức năng được xem là hành vi chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bên cạnh đó, chủ thể có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với hậu quả gây chết người (là chiến sĩ công an - phó trưởng công an xã), nếu có đủ căn cứ cấu thành có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo điểm d khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 và bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 - 5 năm theo khoản 4 Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015.

Theo tôi, hành vi khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương báo chí phản ánh mấy ngày qua là hành vi trái pháp luật. Cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa.

Hiện nay hành vi khai thác cát lậu vẫn còn tiếp diễn trên nhiều địa bàn và rất khó cho cơ quan Nhà nước để kiểm soát tình trạng này một cách triệt để. Ở một số địa phương, các đối tượng khai thác cát lậu thường lén lút khai thác vào ban đêm để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Không những vậy, các đối tượng này thường có tổ chức, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải tuần tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, tiến hành kiểm tra giấy phép đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, tính toán đến các trường hợp chống đối của người vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát trên khu vực các sông lớn, không để cho các tàu thuyền không có giấy phép khai thác đi vào.

Việc xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm cần được đưa tin, truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để phòng ngừa, răn đe các đối tượng vi phạm, manh nha thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như trên.

Luật sư Phạm Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Phạm Minh Tâm (P.5, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh):

Qua các nguồn tin báo chí thông tin vụ “cát tặc” đã cố tình rút “lù” làm chìm xà lan cát dẫn đến cái chết của Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, theo tôi đây là một tội ác không thể chấp nhận được. Hành vi phạm tội này đáng bị lên án và cần phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi khai thác cát lậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và trật tự an toàn xã hội. Qua đây tôi cũng xin chia buồn những đau thương không gì bù đắp được cho gia đình đại úy Lê Thanh Hải đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ.

Trong vụ việc này, các đối tượng này đã có hành vi vi phạm chống đối người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015; gây ra cái chết cho một chiến sĩ công an như vậy, các đối tượng này phải đối mặt với mức án như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

 TÂM TRANG (thực hiện)