Liên quan đến vụ án cán bộ điều tra “lạm quyền khi thi hành công vụ”: Nguyên điều tra viên hầu tòa - Kỳ 1: Lạm quyền!

Thứ tư, ngày 16/07/2014
 Kỳ 1: Lạm quyền!

Trong 2 ngày 14 và 15-7, TAND tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Tuyến Dũng, SN 1973 (nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) có hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của công luận vì tính chất phức tạp. Bị hại trong vụ án là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng An, đóng tại TX.Thuận An, Bình Dương.

   Bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng tại phiên tòa ngày 15-7

 Rắc rối từ một mảnh đất

Theo nội dung cáo trạng, năm 2002, Bộ Công an (BCA) thụ lý điều tra Chuyên án mang bí số Z.501. Ông Nguyễn Văn Nên khi đó là Phó Thủ trưởng và Nguyễn Tuyến Dũng, điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cùng một số điều tra viên khác được điều động tham gia chuyên án. Sau khi chuyên án Z.501 kết thúc, Cơ quan CSĐT - BCA tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ngày 4-3-2003, Cơ quan CSĐT - BCA ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương có trụ sở thuê tại KCN Đồng An do Công ty Cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Ông Nên và ông Dũng được phân công tham gia điều tra vụ án này. Ngày 29-4- 2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc và ông Phạm Văn Hướng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh về hành vi “gây rối trật tự công cộng” xảy ra từ năm 2000 tại KCN Đồng An. Ngoài ông Lân và ông Hướng, Cơ quan CSĐT còn bắt, tạm giữ ông Đỗ Cao Bằng, Phó Giám đốc Công ty Hưng Thịnh và 4 đối tượng liên quan.

Lợi dụng việc tham gia điều tra vụ án và việc ông Lân đang bị tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã giải quyết tranh chấp dân sự giữa Công ty Hưng Thịnh với vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, ông Nguyễn Văn Cư, ngụ Q.10, TP.HCM. Nguyên nhân sự việc là từ trước năm 2003, vợ chồng ông Cư - bà Thu có tranh chấp quyền sử dụng 23.383m2 đất tại huyện Dĩ An (nay là TX.Dĩ An) với Công ty Hưng Thịnh. Nguồn gốc thửa đất này là từ năm 1994 bà Thu được UBND tỉnh Sông Bé (cũ) cấp tại xã An Bình, huyện Thuận An (nay thuộc TX.Dĩ An). Năm 1996, UBND tỉnh yêu cầu bà Thu nộp tiền sử dụng đất, nếu không nộp sẽ bị thu hồi đất. Do không có tiền nộp, bà Thu cùng chồng đã đồng ý để Công ty Hưng Thịnh nộp thay và Công ty Hưng Thịnh được quản lý sử dụng thửa đất này. Đổi lại, bà Thu được Công ty Hưng Thịnh chấp nhận là cổ đông với phần góp vốn là 300 triệu đồng. Công ty Hưng Thịnh đã chi số tiền gần 3 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất, trong đó, trên 500 triệu đồng là tiền san lấp mặt bằng và xây tường rào. Ngày 31-8-1996, bà Thu đã ký vào biên bản họp các thành viên Công ty Hưng Thịnh. Ngày 7-9- 1996, bà Thu ký hợp đồng tham gia cổ đông, giao 23.383m2 đất cho Công ty Hưng Thịnh toàn quyền sử dụng, mảnh đất này được coi là tài sản của Công ty Hưng Thịnh. Hợp đồng có chứng thực của Phòng công chứng Nhà nước. Tiếp đó Công ty Hưng Thịnh đã thực hiện đúng thỏa thuận, nhưng số tiền trên 500 triệu đồng ông Cư, bà Thu đã nhận của công ty để đầu tư vào san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào họ không thực hiện mà sử dụng cá nhân. Giấy chứng nhận quyền sử dụng 23.383m2 đất bà Thu tự ý cho Công ty Diên Hùng mượn thế chấp vay tiền Ngân hàng Công thương, chi nhánh TP.HCM. Sự việc này liên quan trong vụ án Epco - Minh Phụng.

Khi xét xử vụ Epco - Minh Phụng, cả 2 cấp xét xử đều tuyên trả 23.383m2 đất cho Công ty Hưng Thịnh. Về phần vợ chồng bà Thu, do vi phạm thỏa thuận nên đã bị Hội đồng quản trị Công ty Hưng Thịnh quyết định tước tư cách cổ đông. Tuy nhiên năm 2001 bà Thu và ông Cư có đơn khởi kiện đến TAND huyện Dĩ An đòi lại thửa đất nói trên. TAND huyện Dĩ An đã vào sổ thụ lý ngày 21-11-2001, giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi Cơ quan CSĐT - BCA thụ lý điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” thì vợ chồng bà Thu đã có đơn tố cáo ông Lân lừa đảo chiếm đoạt thửa đất 23.383m2 gửi tới Ban chuyên án. Ông Nên và ông Dũng được giao giải quyết đơn tố cáo của vợ chồng bà Thu.

Lạm quyền!

Trong quá trình giải quyết đơn thư tố cáo này, ông Nên và ông Dũng biết vụ việc bà Thu, ông Cư tố cáo là tranh chấp dân sự, đang được TAND huyện Dĩ An thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra; thửa đất bị tranh chấp thuộc địa phận huyện Dĩ An cũng không liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng”; các bên đương sự trong vụ tranh chấp cũng không đăng ký hộ khẩu cư trú, làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Mặt khác khi ông Lân bị bắt tạm giam thì HĐQT Công ty Hưng Thịnh đã họp, quyết định ông Lân không giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh nữa. Bà Hoàng Thủy lên thay. Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định công nhận thay đổi nhân sự này. Như vậy, ông Lân không còn là người đại diện cho Công ty Hưng Thịnh trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng thửa đất 23.383m2 trong thời gian bị tạm giam.

Cũng trong thời gian ông Lân bị bắt tạm giam, Ban chuyên án nhận được tin báo về việc phạm nhân Liên Khui Thìn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Epco, bị can trong vụ án “Epco - Minh Phụng”) đang thụ án tù chung thân tố cáo ông Lân có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt 50 đến 60 tỷ đồng của Công ty Epco. Mặc dù kết quả xác minh sau đó của Cơ quan CSĐT - BCA xác định tố cáo trên không đúng, tuy nhiên, ông Nên và ông Dũng vẫn ép ông Lân khai nhận có chiếm đoạt của Liên Khui Thìn khoảng 8 tỷ đồng và động viên ông Lân bán nhà riêng ở số 98B đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, dự kiến trên 5 tỷ đồng để trả nợ. Ông Nên và ông Dũng cũng “động viên” ông Lân trả lại mảnh đất 23.383m2 đất “để được về làm ăn”.

Ngày 7-8-2003, Cơ quan CSĐT - BCA kết thúc điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng”. Theo bản kết luận điều tra số 27/C16(P2)C3, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Lân và 6 bị can khác về tội “gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên cũng trong ngày 7-8- 2003, ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng vẫn trích xuất bị can Lân ra cho gặp vợ chồng bà Thu, ông Cư. Nguyễn Văn Nên đã nhân danh Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT; Nguyễn Tuyến Dũng nhân danh điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang tiến hành lập biên bản về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp lô đất 23.383m2 giữa bị can Lân với bà Thu, ông Cư. Theo đó, ông Lân đồng ý trả lại quyền sử dụng 23.383m2 đất cho vợ chồng bà Thu, ông Cư. Vợ chồng bà Thu, ông Cư trả lại ông Lân 3 tỷ đồng. Hai bên thống nhất thời gian nộp tiền và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 25-8-2003 tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang. Nguyễn Tuyến Dũng với tư cách điều tra viên lập biên bản. Nguyễn Văn Nên ký tên, đóng dấu với tư cách Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án “gây rối trật tự công cộng”, ngày 27-8-2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các bị can Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình. Cùng ngày, Kiểm sát viên đã giao các quyết định nói trên cho Nguyễn Văn Nên (thành viên Ban chuyên án) yêu cầu thực hiện. Việc giao nhận có lập biên bản hẳn hoi. Ông Nên đã giao các quyết định trên cho Dũng nhưng lại nói để xin ý kiến lãnh đạo Ban chuyên án mới thực hiện. Cùng ngày, ông Nên đã xin ý kiến Trưởng Ban chuyên án, nêu lý do thả Bùi Mạnh Lân sẽ gây khó khăn cho việc điều tra mở rộng án về việc chiếm đoạt 8 tỷ đồng của Công ty Epco và chiếm đoạt 23.383m2 đất của bà Huỳnh Thị Thu nên đến ngày 1 và ngày 2-9-2003, ông Nên và ông Dũng mới thực hiện các quyết định trả tự do cho 3 bị can Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình. Trước đó, ông Nên và Dũng cũng vin vào lý do đã xin ý kiến của Trưởng Ban chuyên án mà không thực hiện quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn của Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - BCA để kéo dài việc tạm giam bị can Phạm Văn Hướng từ ngày 12- 6-2003 đến ngày 7-7-2003.

Kỳ 2: Sai lầm nối tiếp sai lầm!

 L.T.PHƯƠNG