Liên quan đến việc giải tỏa chợ Hưng Hòa cũ để xây Trạm Y tế xã: Nhiều tiểu thương chưa chấp thuận phương án hỗ trợ di dời

Thứ sáu, ngày 07/11/2014

(BDO) Chính quyền xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng đã cho xây dựng và đưa chợ mới Hưng Hòa vào hoạt động hơn một năm nay, thế nhưng việc giải tỏa khu chợ cũ để xây Trạm y tế xã vẫn chưa được bà con đồng tình ủng hộ. Nhiều tiểu thương không chấp thuận phương án hỗ trợ di dời vì họ cho rằng phần đất kinh doanh bao năm của mình không phải đất công, cần được đền bù thỏa đáng.

Mua đất từ UBND xã

Theo một số tiểu thương, khu chợ cũ Hưng Hòa được xây dựng từ năm 1989, có diện tích rộng hơn 2.000m2. Cả khu chợ có khoảng 30 hộ đăng ký kinh doanh, nhưng hiện chỉ mới có 21 hộ nhận tiền hỗ trợ di dời để nhường đất xây Trạm y tế xã. Vì sao những hộ còn lại không đồng tình với chủ trương của chính quyền địa phương? Ông Hồ Ngọc Loan, chủ khu đất có 3 ki ốt liền kề rộng hơn 100m2 bức xúc: “Chúng tôi đã khiếu nại lên các cấp về việc này, kèm theo đó là những chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất. Đất này tôi mua lại từ UBND xã trước đây, chứ không phải đất công. Nhiều hộ khác cũng mua đất từ UBND xã. Bà con ai cũng đồng tình nhường đất để xây dựng Trạm y tế xã, bởi đây là công trình ý nghĩa, nhưng địa phương phải xem xét nguồn gốc đất một cách hợp tình, hợp lý”.

Ông Hồ Ngọc Loan khẳng định mảnh đất có diện tích 100m2 do ông mua từ UBND xã Hưng Hòa bán đấu giá năm 1989

Ông Loan trình bày: Năm 1989, UBND xã Hưng Hòa và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bến Cát đứng ra phát mãi, bán đấu giá 100m2 đất thổ cư của một con nợ đã bỏ trốn khỏi địa phương. Lúc đó, Hội đồng đấu giá định giá mảnh đất là 3,8 triệu đồng, nhưng ông Loan phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng mới mua được đất vì phải nâng giá cao để vượt qua hai người cùng mua lúc đó là ông Hoàng Xuân Thu (ngụ ấp 1, xã Hưng Hòa) và bà Vui Tường (ngụ xã Tân Hưng). “Vào thời điểm đó, số tiền hơn 4 triệu đồng là rất lớn, có thể mua được nhiều mẫu đất ở nơi khác. Để mua được miếng đất này, tôi đã bán rất nhiều tài sản trong gia đình mới gom đủ. Khi mới mua đất, tôi có thể làm sổ đỏ bất kỳ lúc nào, nhưng do kinh tế gia đình còn khó khăn nên nghĩ từ từ làm cũng được. Sau này khi có điều kiện tôi xin làm sổ đỏ thì xã không làm, rồi kéo dài cho đến hôm nay”, ông Loan trình bày. Hiện gia đình ông Loan còn lưu lại rất nhiều giấy tờ để chứng minh mảnh đất này mua lại từ UBND xã Hưng Hòa. Mới đây, khi ông Loan làm đơn gửi các cấp, ông Nguyễn Hữu Phớn, (Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa các năm 1993, 1994) xác nhận ông Loan mua lại mảnh đất trên do UBND xã phát mãi. Năm 1992, 1995, gia đình ông Loan đã dùng mảnh đất này thế chấp cho ngân hàng để vay một số tiền lớn, nhiều cán bộ địa phương cũng xác nhận miếng đất này thuộc sở hữu của gia đình ông Loan.

Tương tự, các hộ Văn Thị Gái, Phạm Văn Thế, Phạm Văn Mưu… cũng cho rằng họ mua lại đất từ UBND xã chứ không phải thuê mướn. Ông Phạm Văn Thế (chủ một kiốt rộng hơn 20m2 ở mặt tiền của chợ) cho biết năm 1991, ông làm đơn gửi UBND xã để mua lại gian quán trên từ hợp tác xã và được bán với giá 540.000 đồng.

Tiền hỗ trợ di dời, hộ có hộ không?

Nhiều tiểu thương cho rằng trong quá trình giải tỏa mặt bằng tại chợ cũ Hưng Hòa, cán bộ xã chưa điều tra rõ ở khu chợ này hiện có bao nhiêu hộ có đất kinh doanh. Vì thế, trong danh sách hỗ trợ di dời của xã vẫn còn nhiều hộ chưa có tên. Cụ thể, vợ chồng ông Phạm Văn Thế hiện đang có một cửa hàng kinh doanh khác rộng hàng chục mét vuông trên mặt tiền đường của chợ, nhưng ông Thế bảo rằng phần đất này do ông thuê lại của người thân trong gia đình để kinh doanh. Phần đất này là của ông Phạm Văn Mưu, Bùi Đức Vượng, Nguyễn Thị Mùi và Bùi Văn Khoa. Ông Bùi Đức Vượng giải bày: “Do chúng tôi đã già yếu nên hiện không kinh doanh nữa, cho con cái thuê lại rồi lấy tiền dưỡng già. Mấy tháng nay tôi rất bức xúc vì không hiểu sao chúng tôi không được chính quyền địa phương quan tâm. Những năm 1990, tôi mua lại phần đất này của xã. Lúc đó, đây là một hố sâu nằm bên ngoài chợ, chúng tôi phải nhọc công san lấp hàng tháng trời!”.

Trao đổi với P.V về những bức xúc của các hộ dân, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, cho biết: “Theo quyết định của UBND xã Hưng Hòa về việc tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng chợ quý II-1990 thì chợ cũ Hưng Hòa được xây dựng năm 1990. Sau khi chợ mới được đưa vào hoạt động, khu đất rộng hơn 2.000m2 của chợ cũ được dùng để xây Trạm y tế xã. Theo quyết định trên, xã không bán đất tại chợ, mà chỉ cho bà con thuê để kinh doanh. Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần mời bà con tiểu thương, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bàu Bàng, các cán bộ nguyên chủ tịch, bí thư xã đến họp bàn, qua đó giải thích cho bà con được rõ hơn về những quy định trong quyết định này. Những khiếu nại của bà con, chúng tôi đã chuyển lên các cấp để có phương án giải quyết”.

Giải thích việc một số hộ không có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ di dời, ông Tùng cho rằng các hộ này đã sang nhượng lại phần đất của mình cho hộ ông Phạm Văn Thế từ lâu. Tuy nhiên, ông Thế cho biết ông chỉ thuê đất để kinh doanh!

QUẢNG ĐIỀN – CÔNG KHANH