Liên quan đến vấn đề “chậm thu gom rác gây ô nhiễm môi trường”: Cần khẩn trương xử lý
Trong các ngày 5, 6 và 7-7, báo Bình Dương có đăng loạt bài “Chậm thu gom rác thải gây ô nhiễm môi trường”, phản ánh tại một số địa phương, các cơ sở chậm thu gom rác thải gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Sau đó báo Bình Dương đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
(BDO)
Bài báo đăng ngày 5-7 thu hút nhiều bạn đọc bình luận và đề xuất hướng giải quyết tình trạng chậm thu gom rác thải
“Tôi thấy việc thu gom rác đưa đi xử lý là tốt, nhưng cách thu gom vận chuyển là vấn đề cần quan tâm: Thu gom mỗi ngày thì càng tốt, không để tồn rác tại nơi chứa lâu ngày gây ô nhiễm. Xe ép rác cần được trang bị thùng chứa nước rỉ rác, bởi thực tế tôi thấy xe ép rác chạy đến đâu thì nước rỉ rác đổ xuống đường rất hôi thối, gây ô nhiễm tiếp tục thì việc thu gom xử lý rác có hiệu quả hay không?” (Bạn đọc Ly Truong An) “Cần dẹp loại xe thu gom rác thủ công, gây ô nhiễm môi trường bằng những biện pháp mạnh. Ví dụ theo nội dung hợp đồng giữa chủ thu gom rác và người dân - chính quyền, thì xe chở rác không được cơi nới, đeo bao bì đựng phế liệu và xe phải đạt chuẩn... Nếu vi phạm, thông qua đường dây nóng thì mạnh tay xử lý ngay. Nếu địa phương nào cũng làm như vậy thì quá tốt”. (Bạn đọc Mai Nam) |
Có bạn đọc thì cho rằng nếu chính quyền quyết tâm cắt hợp đồng với những cơ sở thu gom rác không hiệu quả thì không hề khó. “Hãy làm theo quy định, nếu vi phạm 3 lần thì cắt hợp đồng. Một khi hành lang pháp lý đủ mạnh thì việc cắt hợp đồng của một chủ cơ sở không khó. Tôi nghĩ rằng tỉnh ta nên nhanh chóng ban hành một quy định mới về việc quản lý, sử dụng biện pháp chế tài nếu như chủ cơ sở thu gom rác vi phạm hợp đồng trách nhiệm. Mỗi khi có chủ khác đến thế chỗ cho đơn vị mới làm gián đoạn việc thu gom rác, gây ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể như để rác tồn đọng, nhiều chủ thu gom rác chê nhà dân ở trong hẻm không đến thu gom, khiến xảy ra tình trạng ô nhiễm”, bạn đọc Trần Văn Lượng chia sẻ.
Trong khi đó bạn đọc Tạ Minh Nhật cho rằng khi môi trường bị ô nhiễm thì con người bị bệnh tật. “Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố, xã, phường phải hết sức quan tâm đến vấn đề rác thải. Tôi nhận thấy việc đưa hết công tác thu gom rác thải về một đơn vị quản lý, sau đó chính đơn vị quản lý trực thuộc Nhà nước quản lý sẽ chi phối, điều hành cả một hệ thống thu gom rác trên địa bàn là đúng nhất. Nếu như cơ sở nào để rác tồn đọng thì quy tội về cho chủ cơ sở đó. Nếu tiếp tục để rác tồn đọng thì cắt hợp đồng. Báo chí theo dõi đưa tin trên báo. Như vậy thì chủ thu gom rác nào cũng sợ bị cắt hợp đồng nên sẽ làm tốt hơn và có sự cạnh tranh về chất lượng thu gom rác. Tôi cho rằng, để môi trường không bị ô nhiễm thì không riêng gì lãnh đạo TX.Thuận An mà các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh phải vào cuộc đồng bộ. Nhất là các chủ thu gom rác phải đặt chữ tâm lên hàng đầu trong việc thu gom rác”, bạn đọc Tạ Minh Nhật hiến kế.
Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc phản ánh thực tế hiện nay nhiều cơ sở thu gom rác vô trách nhiệm sau khi đã ký hợp đồng thu gom rác. Những người trực tiếp đi thu gom rác không thu gom hết rác tại những thùng chứa rác; đến ngày nghỉ lễ, tết, một số nhân viên “xin” tiền bồi dưỡng, khi chủ nhà không cho tiền thì họ thu gom cẩu thả, vứt rác vương vãi ra đường; những người thu gom rác tự đục thủng những thùng chứa rác để nước thoát ra ngoài cho nhẹ. Việc làm này gây hôi thối môi trường xung quanh…
Có bạn đọc hiến kế: Cắt hợp đồng vài người thu gom rác là hiệu quả liền. Từ đó địa phương sẽ tuyển dụng những chủ cơ sở thu gom rác có uy tín thì môi trường sẽ sạch hơn so với hiện nay. Phải thành lập đường dây nóng để dân phản ánh là đúng. Sau đó xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm. Thực hiện một cách đồng bộ từ khu phố đến cấp phường thì môi trường sẽ sạch hơn.
“Là người dân ở phường Lái Thiêu, tôi rất quan tâm đến vấn đề môi trường sống. Tôi nhận thấy báo Bình Dương làm rất tốt khi phản ánh những vấn đề người dân bức xúc. Cụ thể như vụ rác ở An Bình, TX.Dĩ An. Chúng tôi mong muốn báo Bình Dương mở luôn cả chuyên mục môi trường và rác thải. Vì báo chí lên tiếng nói là được xử lý ngay, thế được gọi là sức mạnh của ngôn luận”, bạn đọc Nguyễn Huỳnh bày tỏ.
Thu gom rác theo giờ
Đó là mô hình hiện phường Lái Thiêu, TX.Thuận An đang thí điểm ở hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Văn Tiết. Ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu cho biết, thời gian thu gom rác ở hai tuyến đường này được quy định như sau: Từ 17 giờ người dân mang rác đến các thùng, đến khoảng 19 giờ thì xe đến thu gom. Theo ông Nam, nhìn chung nhiều hộ dân ủng hộ cách làm này nên địa phương sẽ tiếp tục mở rộng ở một số tuyến đường trong địa bàn phường.
Theo thống kê của phường Lái Thiêu, hiện nay trên địa bàn phường chỉ có 65% hộ gia đình đóng tiền thu gom rác hàng tháng, vì vậy chính quyền địa phương đang vận động người dân tham gia đóng tiền đầy đủ, cũng như sẽ tiến hành phân loại rác ngay tại nguồn để tránh ô nhiễm trong quá trình thu gom, vận chuyển.
PHÒNG BĐ-PL