Liên minh châu Âu EU nhận giải Nobel Hòa bình
Chiều 10-12, Liên minh châu Âu EU đã chính thức được trao giải Nobel Hòa bình năm 2012 nhờ việc đã chuyển một châu lục “từ chiến tranh sang hòa bình” nhưng trong thời điểm thể chế này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập kỷ qua.
Các nhà lãnh đạo châu Âu tại buổi lễ Trong buổi lễ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo, có sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ ở châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Nobel của Na UyThorbjoern Jagland đã trao giải cho ba đại diện của EU gồm Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz.
Nhắc nhớ về 80 triệu người dân châu Âu từng là nạn nhân chiến tranh trong thế kỷ qua, ông Jagland nói rằng “cần đảm bảo rằng sẽ không đánh mất những gì chúng ra từng xây dựng từ đống đổ nát của hai cuộc chiến tranh.”
“Hòa bình là thứ không dễ đạt được. Chúng ta phải rất khó khăn để nắm giữ nó từng ngày.”
Việc Ủy ban Nobel trao giải cho EU đã vấp phải nhiều chỉ trích, rằng ủy ban đã đi ngược lại những tôn chỉ, mục đích mà Alfred Nobel đặt ra cho giải thưởng, nhất là khi châu lục này vẫn đang phải đối mặt với nhất nhiều vấn đề như hiện nay.
“Châu Âu cần phải tiến lên phía trước, bảo vệ những gì đã đạt được và cải thiện những gì đã tạo dựng, có khả năng giải quyết những vấn đề đe dọa cộng đồng châu Âu. Đó là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay,” ông Jagland nói.
Trong khi đó, phát biểu sau khi lên nhận giải, Chủ tịch EC Barroso nói rằng EU cam kết sẽ duy trì đồng euro, rằng một đồng tiền chung chính là biểu tượng mạnh mẽ nhất của cộng đồng trong 60 năm lịch sử.
Ông Barroso cũng đề cập đến tình hình Syria, khi nói rằng cuộc xung đột tại đây là một "vết nhơ trên lương tâm củathế giới."
"Hãy để tôi nói từ đây rằng tình hình hiện nay ở Syria là vết nhơ trên lương tâm của thế giới và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải điểm mặt nó."
Ông Barroso còn nói rằng, trong ngày nhân quyền quốc tế, suy nghĩ của khối 27 nước thành viên đều hướng về "tất cả những người trên thế giới sẵn sàng chịu đựng hiểm nguy để bảo vệ những giá trị mà chúng ta hằng yêu mến."
Theo TTXVN