Liên kết lao động với các tỉnh giai đoạn 2011-2015: Cung ứng hơn 13.000 lao động cho doanh nghiệp

Thứ tư, ngày 07/10/2015

(BDO) Trong nhiệm kỳ qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch liên kết lao động (LKLĐ) với các tỉnh giai đoạn 2011-2015; tính từ năm 2011 đến nay, các tỉnh, thành đã cung ứng hơn 13.000 lao động cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục cung ứng lao động cho các DN, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình LKLĐ, đồng thời khuyến khích DN đưa ra những chính sách để “giữ chân” người lao động (NLĐ).

 Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh. Trong ảnh: Công nhân Công ty Đông Hưng trong giờ làm việc. Ảnh: T.VY

Chương trình LKLĐ được thực hiện từ năm 2007 trong lúc Bình Dương đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp, cần lượng lớn lao động. Theo đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 4-1-2007 của UBND tỉnh về việc LKLĐ với các tỉnh giai đoạn 2007-2010 theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN - Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Bình Dương và các tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau để giới thiệu và cung ứng lao động cho Bình Dương. Qua 4 năm triển khai, mô hình thu hút được gần 27.000 lao động từ các tỉnh, thành đến Bình Dương làm việc. Chương trình phát huy hiệu quả, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn này, chương trình đã giới thiệu, cung ứng hơn 13.000 lao động cho DN.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm GTVL tỉnh nắm bắt nhu cầu DN, sự thiếu hụt lao động và nhu cầu về lao động phổ thông của các ngành nghề. Sau đó, Trung tâm GTVL cùng DN đi đến các tỉnh, thành tham gia các phiên giao dịch việc làm để thực hiện chương trình LKLĐ. Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm GTVL các tỉnh trong việc tổ chức, sắp xếp đưa lãnh đạo các địa phương có nguồn lao động nhiều đi tham quan thực tế tại các khu công nghiệp, các DN tại Bình Dương để tìm hiểu về quy mô sản xuất, điều kiện làm việc, ăn ở, tiền lương, thu nhập của NLĐ…

Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 như sau: “Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với NLĐ và người sử dụng lao động; thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về pháp luật lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở các DN nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích DN quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để NLĐ yên tâm, gắn bó lâu dài với DN.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh cho biết, việc thực hiện chương trình LKLĐ của tỉnh từ năm 2007 đến nay đã đi vào chiều sâu, DN đã xem Trung tâm DVVL tỉnh là “cầu nối” giữa DN và Trung tâm GTVL làm các tỉnh bạn. Chương trình đã tạo sự an tâm cho DN khi tuyển dụng lao động có chất lượng, ổn định về số lượng; còn NLĐ cũng như gia đình không lo ngại về “cò lao động”. Đồng thời, khi đến Bình Dương làm việc, NLĐ được lo các khoản kinh phí như hỗ trợ tập huấn Bộ luật Lao động, tiền trọ, tiền xe và được bố trí việc làm phù hợp và ổn định. NLĐ sau thời gian làm việc tại Bình Dương thông qua chương trình rồi họ tự giới thiệu người thân cùng vào làm việc ở Bình Dương.

Để tiếp tục thu hút lao động đến với Bình Dương, trong thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh còn thực hiện LKLĐ qua hình thức đào tạo nghề với các trường nghề ở các tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Quảng Nam, Kiên Giang và một số trường đại học ở Trà Vinh, Vĩnh Long nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật để cung ứng cho các DN trong tỉnh. Từ đó, tạo sự an tâm cho các DN, NLĐ, góp phần tăng cường thu hút các nhà đầu tư đến Bình Dương, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ; góp phần chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, cải thiện tác phong công nghiệp của NLĐ.

 THIÊN LÝ