Liên kết lao động: Những kết quả bước đầu
Năm 2013, Bình Dương liên kết cung ứng lao động với các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Phú Yên, Trà Vinh, Bạc Liêu đưa 2.841 lao động về Bình Dương làm việc. Tỷ lệ liên kết lao động với các tỉnh đã đạt 189,4% so với chỉ tiêu. Đây là thành quả đáng khích lệ, bảo đảm cân đối thị trường lao động tại Bình Dương.
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, góp phần thu hút hơn 700.000 lao động (LĐ) ngoài tỉnh đến làm việc. Nhu cầu tuyển LĐ của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh mỗi năm trên 50.000 LĐ. Tuy nhiên, nguồn LĐ của tỉnh hàng năm bước vào tuổi LĐ không đủ đáp ứng. Để giải quyết nguồn LĐ khó khăn cho các DN như hiện nay, năm 2007, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau để giới thiệu và cung ứng LĐ cho Bình Dương. Có thể nói, liên kết giữa “3 nhà” như một phương thức kết nối giữa nguồn LĐ với nguồn việc làm, giữa người LĐ với các trường dạy nghề, các DN, tạo thành một vòng khép kín thúc đẩy giải quyết việc làm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp tuyển công nhân lao động ngoài tỉnh về đào tạo lại tay nghề may
Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã có 30 tỉnh ký kết hợp đồng cung ứng LĐ với Bình Dương và có trên hàng chục ngàn LĐ ngoài tỉnh được tuyển vào làm việc tại các DN. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, liên kết LĐ giữa các tỉnh là kênh rất quan trọng cho việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng LĐ của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới. “Kể từ khi có kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh để cung ứng LĐ cho Bình Dương, DN rất yên tâm khi tuyển dụng LĐ có chất lượng, ổn định về số lượng; còn NLĐ cũng như gia đình không lo ngại về “cò LĐ”, khi đến Bình Dương làm việc, NLĐ được lo các khoản kinh phí, được bố trí việc làm phù hợp và ổn định. Nhờ đó trong thời gian qua, đã có không ít LĐ đến Bình Dương làm việc thông qua mô hình liên kết rồi họ tự giới thiệu người thân cùng vào làm việc ở Bình Dương”, một cán bộ phụ trách công tác nhân sự của công ty nhận xét.
Đến nay đã có 30 tỉnh, thành liên kết cung ứng LĐ vào Bình Dương làm việc qua 2 phương thức tuyển dụng: Theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN, các trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, các đơn vị, tổ chức của tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau để giới thiệu và cung ứng LĐ cho Bình Dương và phương thức DN tuyển dụng trực tiếp với các đơn vị, tổ chức của các tỉnh bạn.
“Thông qua chương trình liên kết LĐ, tôi đã đăng ký vào Bình Dương làm việc. Vào đây, tôi đã tìm kiếm được việc làm dễ dàng và cập nhật những thông tin tương đối đầy đủ về DN như: ngành nghề sản xuất, mức lương, chế độ, thời gian làm việc và các chính sách khác giúp cho NLĐ an tâm tìm việc làm thich hợp”, chị Thủy làm việc tại Công ty Foster cho biết.
Đánh giá về kết quả liên kết LĐ giữa các tỉnh, tại hội nghị tổng kết công tác liên kết LĐ được tổ chức trước đó, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Phùng Trung, nhận xét cung ứng LĐ - đào tạo nghề - giải quyết việc làm - thu nhập ổn định đời sống là một chuỗi các mục tiêu của quá trình tổ chức và thực hiện liên kết LĐ với các tỉnh. So với trước đây, khi chưa thực hiện chương trình này liên kết LĐ chỉ đơn thuần là cung ứng LĐ để giải quyết việc làm nhằm thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm việc của NLĐ. Các hình thức cung ứng LĐ và các phương pháp tiếp cận của các DN khi tuyển dụng LĐ, thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh, đã làm thay đổi sự thụ động của các nhà tuyển dụng trước đây, thay vào đó là sự tự chủ và linh hoạt hơn của các nhà tuyển dụng, tác động tích cực đến ý thức của NLĐ và thị trường LĐ đối với các cơ quan quản lý nhà nước về LĐ và việc làm của Bình Dương và các tỉnh. Từ kết quả của chương trình, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch liên kết LĐ, quản lý nguồn nhân lực của địa phương.
VĂN SƠN