Liên kết hiệp hội ngành hàng để phát triển

Thứ tư, ngày 10/06/2020

(BDO)  Trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng tiếp tục cần “trợ lực” để đẩy mạnh liên kết, phát triển xứng tầm với tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Đẩy mạnh phát triển hạ tầng vùng, giảm giá thành logictics là một hướng cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới

 Đy mnh cơ chế liên kết

Tại hội nghị với các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong 10 năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Do vậy, trong năm 2020, nhiệm vụ của vùng là phải phấn đấu tốc độ phát triển cao hơn bình quân chung, làm động lực phát triển để Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thiếu cơ chế liên kết... Do đó, cần lập hội đồng vùng cũng như hội đồng doanh nghiệp vùng. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là trung tâm kết nối doanh nghiệp vùng. “Theo đó, chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là người đề xuất, là trung tâm kết nối doanh nghiệp vùng, xác định phát triển công nghệ, logistics thế nào… chính doanh nghiệp phải là người đề xuất”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Thời gian qua, sự tăng trưởng mạnh của ngành chế biến gỗ xuất khẩu không chỉ tăng thu ngoại tệ cho quốc gia mà còn tạo điều kiện để phát triển gỗ và trồng rừng, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Hiệp hội Chế biến gỗ tại 3 địa phương đã nhanh chóng tính toán đến chuyện hợp tác để phát triển, phát huy lợi thế của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng trọng điểm.

Theo đề xuất của tiến sĩ Trần Du Lịch, để phát triển kinh tế vùng, phải chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ logistics. Hàng hóa phát triển thì dịch vụ vận chuyển phải đi đôi. Muốn phát triển logistics, phải phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông của khu vực, vì hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng dẫn đến chi phí cho dịch vụ logistics cao, gây khó cho DN trong quá trình kinh doanh.

Từ thực tế sản xuất, xuất khẩu gỗ, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) Điền Quang Hiệp chia sẻ rằng, trước sự cạnh tranh gay gắt và áp lực về nguồn gốc xuất xứ thì vai trò của các Hiệp hội Chế biến gỗ cần phải được nâng cao hơn. Đồng Nai, Bình Dương là các địa phương tập trung nhiều DN sản xuất, chế biến gỗ lớn nhất nước (chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 70% giá trị xuất khẩu cả nước). Trong khi đó, TP.Hồ Chí Minh dù không có số lượng DN sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ nhiều như Bình Dương, Đồng Nai nhưng nơi đây lại có thế mạnh về thương mại, quan hệ quốc tế và bán buôn các mặt hàng máy móc ngành gỗ. Các hiệp hội đang tính toán phương án để sớm hình thành liên minh Hiệp hội Chế biến Gỗ Đông Nam bộ. Hiệp hội đã đề xuất liên kết hợp tác vì sự phát triển của cộng đồng DN gỗ vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gỗ và thủ công mỹ nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cũng như các hoạt động dịch vụ... Về phương hướng, các Hiệp hội Chế biến gỗ đề xuất cần thúc đẩy liên kết cả chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, theo chiều “dọc” là thúc đẩy liên kết từ khâu trồng rừng đến chế biến và khai thác gỗ, hoàn thiện sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Liên kết “ngang” là các Hiệp hội Chế biến gỗ trong nước cần đẩy mạnh hoạt động, liên kết lại với nhau, thể hiện rõ vai trò của mình với DN thành viên, bao gồm cả cơ quan chức năng, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành gỗ phát triển.

Với ngành giày da, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết trong bối cảnh hiện nay, DN da giày muốn tồn tại và phát triển thì phải thay đổi. Theo đó, ngoài việc Nhà nước tạo điều kiện, chính sách thông thoáng, ngành da giày phải dựa trên các trụ cột, đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu trong nước, tăng năng suất lao động, quản trị dựa trên nền tảng số… Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, cho rằng thời gian qua các DN đã rất chủ động trong việc kết nối. Tuy nhiên, đã đến lúc các hiệp hội, ngành hàng cần ngồi lại để có định hướng chiến lược kết nối mạnh hơn.

Phát huy thế mnh

Để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển và đón cơ hội đầu tư trong thời kỳ bình thường mới, nhiều tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông liên tỉnh. Phải quan tâm đến sự kết nối đồng bộ, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương trong vùng và liên vùng.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá kết nối kinh tế, liên kết vùng về bản chất cuối cùng vẫn là sự kết nối của DN. Chính quyền các cấp tạo ra không gian kết nối, tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự kết nối và xây dựng cơ chế để thúc đẩy, hành động cụ thể là của DN. Ông Trần Thanh Liêm cũng kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn cho đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 TP.Hồ Chí Minh bằng vốn vay ODA Nhật Bản.

Tại Bình Dương, trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh luôn gắn với lợi ích của DN trong tỉnh. Trong đó tỉnh chú trọng phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics và các công trình hỗ trợ cho vận tải hàng hóa; gắn kết kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy tạo sự thuận tiện tối đa cho DN, giảm thiểu chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm sản xuất. Bình Dương đã quy hoạch 300 ha đất để xây dựng trung tâm logistics đạt chuẩn nhằm liên kết các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung cấp dịch vụ logistics thông suốt, nhanh chóng, an toàn, cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận.

 Ông Nguyễn Thành Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng - Sóng Thần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, đánh giá Hiệp hội Logistics Bình Dương sẽ là tiền đề, lực đẩy phát triển toàn diện hệ thống logistics, bao gồm hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm và hạ tầng nhân lực. Theo đó, mỗi DN với chức năng khác nhau sẽ phát huy cao nhất chức năng của mình nhưng vẫn bảo đảm tính liên thông (kết nối dữ liệu, tận dụng các nguồn lực và quỹ không gian chung...). Nhờ đó, việc cạnh tranh trong kết nối sẽ tăng hiệu suất hoạt động chung của các DN thành viên của hiệp hội.

 TIỂU MY