Liên kết để đẩy mạnh xuất khẩu
(BDO) Với sự hồi phục chậm của kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa chủ lực cần liên kết để tồn tại và phát triển, tìm những động lực tăng trưởng mới.
“Đi” cùng nhau
Theo đánh giá của Sở Công thương, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến đơn đặt hàng của một số ngành tới các thị trường chính trong nửa đầu năm 2023 đều giảm mạnh.Tuy nhiên, trong tháng 7 vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng góp phần quan trọng vào tăng trưởng của cả tỉnh.
Ngành gỗ nỗ lực phát triển công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong ảnh: Các doanh nghiệp tham dự hội chợ máy móc ngành gỗ năm 2023 tại Bình Dương
Đối với các DN ngành gỗ, dù khó khăn vây bủa do sự sụt giảm của nhu cầu tiêu dùng thế giới song vẫn nỗ lực tìm kiếm hướng đi bền vững. Ông Cao Văn Đồng, thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng dù đang đối diện thách thức lớn nhưng không nên quá bi quan bởi đây chỉ là nhất thời. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành gỗ, theo ông Cao Văn Đồng cần sự hỗ trợ của địa phương, ngành công thương, thương vụ nước ngoài để tìm kiếm thị trường. Đồng thời truyền tải thông điệp để các DN thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA, nhận định trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới đang giảm sâu, thị trường còn đặt ra yêu cầu thời gian giao hàng nhanh, trong khi ngành gỗ đang ở tình trạng chi phí nhân công cao, tiêu phí nguyên vật liệu nhiều, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, giải pháp về công nghệ là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều các yếu tố, bao gồm sự ổn định của tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Hoa Kỳ và EU, cùng với việc thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và khai thác các cơ hội mở rộng thị trường.
Cùng với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các DN phải chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường “ấm” lên. Đây cũng là giai đoạn DN cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng “nóng”. Được biết, hiện các DN ngành gỗ thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển bền vững công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Song song đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro.
Với ngành hàng dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các DN. Dù được hưởng nhiều ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên EU có yêu cầu cao và chặt chẽ liên quan đến môi trường cũng là thách thức cho DN ngành dệt may tăng xuất khẩu sang thị trường này. Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, cho biết thị trường EU chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế… DN đã và đang nỗ lực giữ vững đơn hàng, đẩy mạnh liên kết với các đơn vị cung ứng nguyên liệu “xanh” để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng lâu năm.
Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, hàng tháng, sở tạo điều kiện cho các DN tại các hội nghị giao ban với các thương vụ tham gia để nắm chắc các thông tin tại các thị trường xuất khẩu. “Hội nghị sẽ tạo cơ hội cho các hiệp hội ngành hàng, trao đổi về khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cùng các địa phương, hiệp hội và DN sẽ cùng tìm ra những biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả”, bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết.
Theo ông Trần Ngọc Quân, Thương vụ thị trường EU và Bỉ, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, DN trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu. “Thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ DN trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.
Ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của các sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn và cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục, lấy lại đà tăng trưởng. Theo ông Đỗ Mạnh Quyền, để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng tỷ USD, DN cần xác định lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, xác định rõ thị trường và sản phẩm tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu, cải thiện chất lượng cũng như công nghệ sản xuất.
Theo Sở Công thương, trong nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu nửa cuối năm, Bộ Công thương tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 9-2023. Các tập đoàn bán lẻ lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan), Coppel (Mexico)… đã có kế hoạch tham dự. Đây là cơ hội lớn cho các DN địa phương tham gia chuỗi cung ứng. |
TIỂU MY - CẨM TÚ