Liên kết cùng phát triển
(BDO) Hệ thống hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò thiết yếu, mở đường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương, mỗi vùng và quốc gia. Vì vậy, giao thông kết nối của từng địa phương vệ tinh và liên kết vùng hợp lý sẽ bổ sung cho nhau cùng phát triển. Do vậy, phải đặt quy hoạch chung của từng địa phương trong tổng thể vùng, khu vực để xây dựng kế hoạch, chiến lược, giải pháp thực hiện khả thi và hiệu quả.
Phải thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân dẫn đến những hạn chế về hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ thời gian qua là do công tác lập quy hoạch chưa có sự liên kết cao; thậm chí “mạnh ai nấy làm”. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giữa các địa phương chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng; thiếu các cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư… Yếu tố liên kết vùng thiếu sự quan tâm đã kéo giảm tốc độ phát triển của từng địa phương và cả khu vực.
Để các mục tiêu, yêu cầu trên trở thành hiện thực và liên kết vùng là động lực phát huy thế mạnh địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần giải quyết được các thách thức, “điểm nghẽn” về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương. Cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng để cùng phát triển. Việc đẩy nhanh xây dựng các đường cao tốc, vành đai, tạo lực, đường sắt liên vùng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông giữa các địa phương, góp phần mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Cũng từ đó, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và chung tay giải quyết các vấn đề lớn, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, giải quyết khó khăn, vướng mắc vì sự phát triển chung của khu vực. Đồng thời, phải tạo dựng được hệ thống hạ tầng đô thị có tính đột phá, vừa phải đáp ứng cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mở ra nhiều kỳ vọng trong liên kết vùng, đầu năm nay, việc thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và giữa các địa phương với nhau, trong đó liên kết vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cơ hội phát triển cho từng địa phương và cả khu vực Đông Nam bộ.
Đây còn là một tầm nhìn chiến lược quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
NHẬT HUY