Liên hợp quốc: 8 triệu người bị ảnh hưởng do động đất ở Nepal

Thứ ba, ngày 28/04/2015

(BDO)

Người dân tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong những đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu ngày 28-4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc cho biết cuộc sống của 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 25-5 tại Nepal và quốc gia Nam Á này cần được cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp từ nước sạch, tới xà phòng và thuốc men.

Theo đánh giá mới nhất của Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc, 8 triệu người sinh sống tại 39 khu vực đã bị ảnh hưởng, trong đó có 2 triệu người sinh sống tại 11 khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết việc cung cấp thức ăn và nước uống đang bị giảm dần ở Nepal.

Các cửa hàng tạp hóa nhỏ đã mở cửa trở lại ngày 27/4 song các cửa hàng lớn vẫn đóng cửa. Các ngân hàng vẫn chưa hoạt động trở lại, chỉ có các máy rút tiền tự động hoạt động, song không được bổ sung tiền.

Thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ Nepal cho thấy số người thiệt mạng do động đất ở nước này đã lên tới 4.438 người, trong đó gần 100 người thiệt mạng ở các nước láng giềng, và có tới hơn 8.500 người bị thương.

Tại Thung lũng Kathmandu, hàng nghìn người vẫn đang phải ngủ trên các vỉa hè, công viên và trên các khu đất trống trong thời tiết giá lạnh do lo sợ các khu nhà tiếp tục đổ sập. Hiện có khoảng 21 trại cứu trợ đang được dựng lên tại các khu đất trống xung quanh thủ đô Kathmandu.

Liên hợp quốc đã giải ngân 15 triệu USD thông qua Quỹ Ứng phó khẩn cấp Liên hợp quốc (CERF) nhằm cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế nhanh chóng tăng cường các chiến dịch cứu trợ cho người dân Nepal.

Hiệp hội Chữ thập Đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã kêu gọi đóng góp 35,1 triệu USD để hỗ trợ người dân Nepal bị ảnh hưởng động đất.

Sau khi động đất xảy ra, hơn 1.500 tình nguyện viên và 300 nhân viên của Hội Chữ thập Đỏ Nepal đã tham gia tìm kiếm và cứu hộ, cung cấp đồ cứu trợ, giúp người dân ổn định tinh thần, đánh giá thiệt hại.

Mỹ - quốc gia có 4 công dân bị thiệt mạng trong trận động đất, đã tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm 9 triệu USD cho công tác cứu hộ của Mỹ tại Nepal, đồng thời cử 1 đội gồm 130 nhân viên ứng phó thảm hoạ cùng các trang thiết bị tìm kiếm cứu hộ và 45 tấn hàng hóa tới nước này. Trước đó, Washington đã hỗ trợ 1 triệu USD cho công tác cứu trợ nhân đạo khẩn cấp ở Nepal.

Anh cũng đã triển khai máy bay vận tải Boeing C-17 mang theo hơn 1.100 bộ lều trại và 1.700 đèn năng lượng Mặt Trời cùng hàng chục binh lính người Nepal đang phục vụ cho quân đội Anh để tham gia công tác cứu trợ tại quốc gia Nam Á này.

Nhật Bản cũng cho biết sẽ hỗ trợ 8 triệu USD và cử 110 nhân viên ứng phó khẩn cấp để giúp Nepal khắc phục hậu quả động đất.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, một phái đoàn liên bộ, gồm quan chức cấp cao các bộ Nội vụ, Quốc phòng, Ngoại giao và Cục xử lý thảm họa quốc gia (NDMA) của Ấn Độ, do Thứ trưởng bộ Nội vụ B.K. Prasad dẫn đầu, đã tới Nepal chiều 27-4 để điều hành các chiến dịch cứu trợ và cứu nạn tại quốc gia láng giềng.

Các nguồn tin cho biết, phái đoàn trên sẽ phối hợp với Chính phủ Nepal trong chiến dịch cứu nạn và đánh giá thiệt hại do động đất gây ra, sau đó gửi báo cáo về New Delhi để lập kế hoạch ưu tiên cung cấp mọi viện trợ cần thiết cho Nepal.

Tính đến ngày 27/4, Ấn Độ đã triển khai 13 máy bay quân sự, 3 máy bay dân sự của hãng hàng không quốc gia Air India và hãng Jet Airways, 6 máy bay lên thẳng Mi-17, 2 máy bay lên thẳng hàng nhẹ hiện đại tại Nepal, 1.000 nhân viên cứu hộ, đưa 10 tấn chăn nền, 50 tấn nước uống, 22 tấn lương thực và hai tấn thuốc men tới thủ đô Kathmandu.

Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố đóng góp một tháng lương vào Quỹ cứu trợ quốc gia để giúp những người bị ảnh hưởng động đất tại Nepal và khu vực miền Bắc Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn tham gia các hoạt động sơ tán du khách nước ngoài bị kẹt ở Nepal, cấp “visa thiện chí,” huy động xe buýt và xe cứu thương để chở họ về Ấn Độ bằng đường bộ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, khi tới chào Thủ tướng Modi chiều 27-4, tân Ngoại trưởng Tây Ban Nha Garcia-Margallo cũng đề nghị Ấn Độ giúp sơ tán công dân Tây Ban Nha đang bị kẹt tại Nepal./

Theo TTXVN