Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước diễn ra vào dịp kỷ niệm 19-5
(BDO) Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).
Một số phác thảo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước, người sẽ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.
Có 128 tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Theo bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Lễ trao giải đã được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 12/2022, nhưng do có nhiều hoạt động phát sinh đột xuất nên đã chuyển sang năm 2023.
Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự, cùng các tác giả, đồng tác giả…
Trong đợt trao tặng lần này có 128 tác giả, đồng tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Các tác giả được trao, tuy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký) với các tác phẩm: Giao hưởng thơ “Ru con”, ca khúc “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, “Hà Nội mùa xuân”; tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước) với thiết kế mẫu “Huân chương”: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam, tác phẩm: Khu gang thép Thái Nguyên; tác giả Hoàng Châu Ký với tác phẩm sách “Tuồng cổ”, kịch bản sân khấu “Thanh gươm chủ chiến”, kịch bản sân khấu “Trần Quý Cáp”; tác giả Nguyễn Xuân Trình với kịch bản sân khấu: “Quê hương Việt Nam”, “Bạch đàn liễu”, “Đợi đến mùa xuân”; tác giả Nguyễn Xuân Đức với kịch bản sân khấu: “Ám ảnh”, “Những mặt người thấp thoáng”, “Nhiệm vụ hoàn thành”, tuyển tập kịch: “Chứng chỉ thời gian”; tác giả Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm) với các tập thơ: “Đường chúng ta đi”, “Những cánh buồm”, “Đầu sóng”, “Tiếng thơ không dứt”; tác giả Bùi Hiển với các tập truyện: “Trong gió cát”, “Hoa và thép”, “Tâm Tưởng”; đồng tác giả, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải) với các phim tài liệu: “Du kích Củ Chi”, “Hạt lúa vành đai”, “Đội nữ pháo binh Long An”; nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) với cụm tác phẩm: “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”; tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh “Hai người lính” (4 ảnh); tác giả Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh) bộ ảnh: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” (10 ảnh); NSND Đặng Hùng (đồng tác giả) với các tiết mục múa: “Nước về”, “Vũ khúc Raklây”, “Óng ánh tơ vàng”; NSND Vũ Việt Cường (đồng tác giả) với tiết mục múa “Mâm vàng”, tổ khúc múa “Sài Gòn ngày ấy”, kịch múa Chuyện tình non sông; NSND Lê Văn Khình (đồng tác giả) với các tiết mục múa: “Những bông hoa đỏ của rừng”, “Những cô gái Phiêng Hào”; PGS,TS, NSND Ứng Duy Thịnh (đồng tác giả) với tác phẩm kịch múa “Đất nước, Ngọn lửa”, sách “Con đường dân gian” đến sáng tạo múa chuyên nghiệp; PGS,TS, NSND Nguyễn Thị Hiển (đồng tác giả) với các tác phẩm thơ múa: “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn”, “Xuân về trên bản Khơ Mú”, “Bức tranh thôn nữ”.
Có 112 tác giả, đồng tác giả được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trong đó có những tác giả như nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” - nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai); nhạc sĩ Nguyễn Văn Vĩnh (Thao Giang) với các tác phẩm: “Kể chuyện ngày mùa”, “Tình quê hương”...
Ngoài ra, cuối tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp phiên cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ 136 danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 347 danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú xét trình Chủ tịch nước.
Dự kiến lễ trao tặng sẽ được tổ chức dịp Quốc khánh 2/9 tới.
Theo NDO