Lễ tình nhân cho... ba mẹ!

Thứ ba, ngày 14/02/2012

Có lẽ đây là một lễ tình nhân đáng nhớ của ông bà Lê Hưng - Vương Kim Dung, bởi với gia đình ông bà là một lễ đặc biệt: đám cưới... kim cương, kỷ niệm 50 năm chung sống của ông bà cũng trùng vào dịp lễ hội Valentine 2012. Thế là con cháu tổ chức cho cha mẹ, ông bà một ngày lễ thật ý nghĩa bên những người thân thuộc, để kỷ niệm về “con đường tình ta đi”...

Kỷ niệm “nửa thế kỷ” có nhau

Ông Lê Hưng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương) khi về nghỉ hưu, ông lại tiếp tục cùng 2 con trai làm việc ở phòng mạch tư tại số 500 đường 30-4, phường Chánh Nghĩa, TX.TDM với phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp laser quang châm hiện đại. Vợ ông là bà Vương Kim Dung, một nhà giáo cũng nghỉ hưu, được nhiều thế hệ học trò biết đến như một gia đình mẫu mực về nề nếp gia phong. Bản thân tôi rất hân hạnh khi được là người thân quen, để ông bà kể cho nghe những kỷ niệm tình yêu, quá trình lập thân lập nghiệp, cũng như những vốn quý trải nghiệm về y học, dịch lý, kỷ cương của dòng họ Lê Lã ở Hưng Yên (quê gốc của tổ tiên ông) cũng như Bình Dương ngày nay là quê hương của gia đình ông...

 Con gái đầu thay mặt chị em trong nhà chúc mừng Valentine 1962-2012 của ba mẹ

Ông bà kể chuyện xưa... Ngày ấy, vào năm 1958 có chàng thanh niên cựu học sinh trường Petrus Ký (Sài Gòn) yêu nàng vốn là học sinh trường Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM). Họ đến với nhau trong một đám cưới (1962) có đến... 4 cặp phù dâu phù rể, bởi ai cũng là bạn thân của đôi uyên ương. Hai người hồi đó cùng 24 xuân xanh! Điều đáng quý đó là “tình đầu - tình cuối” của ông bà và hôm nay là “thành tích” tình kim cương, khi cả hai đã 74 tuổi và có đến nửa thế kỷ sống hạnh phúc bên nhau, vui vầy cùng con cháu.

Ông bà cư xử với nhau và cũng là làm gương cho con cháu, nên giữa họ luôn lấy câu “phu thê tương kính như tân” làm trọng. Thời gian lúc khó khăn, cũng như sau này khi đã thôi không còn lo chuyện cơm áo gạo tiền, ông bà vẫn dành cho nhau những mặn nồng, đầy tình nghĩa. Vợ ông, bà Vương Kim Dung rất mẫu mực trong việc lo toan gia đạo, giáo dục con cháu và là người đảm đương mọi việc nội trợ, để chồng yên tâm công tác, nghiên cứu, viết lách theo sở thích của mình.

Để cả nhà sống êm ấm, hạnh phúc bên nhau, ông bà luôn động viên, giáo dục con cháu cố gắng làm người tử tế. Theo ông Lê Hưng thì: “Bản thân tôi tuy luôn tỏ ra nghiêm khắc với con cháu, nhưng trong lòng luôn dành tình yêu thương và tin yêu con cháu. Tôi rất vui mỗi khi con cháu thành đạt. Tôi luôn dạy con cháu phải biết sống nhân hậu, không làm những điều hại người khác”. Vợ ông, bà Vương Kim Dung lại cho rằng, vợ chồng sống với nhau, ngoài tình yêu còn có cái nghĩa với nhau, mới đi đến trọn vẹn con đường tình được...

Dịp này ông Lê Hưng còn giới thiệu đến con cháu, thân hữu và các thế hệ học trò của ông bà những thành quả trong 50 năm qua của ông (từ ngày lập thân tại Bình Dương: 1960) là những đầu sách ông đã nghiên cứu, biên soạn, sáng tác, xuất bản, từ ngày về nghỉ hưu. Đó là 4 quyển sách về học thuật dịch lý cổ truyền và 3 quyển về học thuật văn chương, thi phú. Trong đó, có thi phẩm “Ngày ấy - Bây giờ, còn mãi yêu thương” như là một “tổng kết” cho 50 năm tình cảm vẫn mặn nồng, như ông từng viết: “Ừ nhỉ ân tình mang đến đây/ Buồn xưa hai đứa chúng mình vay/ Ấu thơ thì cũng là dan díu/ Ta biết yêu rồi, em có hay?”...

Và tri ân...

Về người vợ hiền của mình, ông Lê Hưng nói: “Sau 50 năm chung sống, tôi nhận thấy bà ấy thật sự là người phụ nữ chuẩn mực, vì luôn an phận thủ thường sống đúng với chữ “an” của Nho học (chiết tự Hán - Nôm gồm: dưới mái nhà, có người nữ thì ý nghĩa là êm đềm). Chúng tôi nặng ân nghĩa với nhau, vì trong chuỗi tháng ngày cùng nhau vượt khó khăn bước đầu lập thân lập nghiệp, cũng như bây giờ vẫn chia sẻ những ngọt bùi, an nhàn tuổi về chiều cùng con cháu...”.

Cô con đầu lòng, Thạc sĩ Lê Vương Ly, hiện là Hiệu phó trường THPT Võ Minh Đức (TX.TDM), cũng thay mặt các em nói lên lời cảm ơn ba mẹ. Theo cô Ly, với các chị em nhà cô, ba mẹ vừa là người sinh thành, vừa là người thầy tận tâm nhất, dạy dỗ con cái những điều hay, lẽ phải. Chị em cô được thành đạt như hôm nay cũng là nhờ công sinh thành, dưỡng dục và cả sự nghiêm cẩn trong cách dạy dỗ của ba mẹ. Nề nếp gia phong nhà cô như một vốn quý để... lưu truyền lại cho con cháu sau này. Cô cũng thay mặt các em chúc ba mẹ luôn sức khỏe, sống lâu với con cháu...

Anh con út Thạc sĩ Lê Lã Vương Linh lại tự hào khi có ba mẹ rất tâm lý. Anh “khoe” mình là người may mắn nhất nhà, bởi chỉ có một mình anh bị ba đánh trong số năm chị em! Đó là “kỷ niệm” ngày còn bé, một lần đi bắt dế chơi với bạn bè, quên về nhà để mọi người nháo nhác đi tìm. Cách dạy con của ông bà là không hề đánh mắng mà mỗi khi con cháu có lỗi, chỉ gọi lên nhà từ đường (nơi có bàn thờ tổ tiên), phân tích, giảng giải từ tốn cho con cháu thấu hiểu lỗi lầm mà sửa đổi...

Thầy thuốc ưu tú Lê Hưng tâm sự: “Được con cháu tổ chức “đám cưới kim cương” này, vợ chồng chúng tôi rất hạnh phúc. Bởi đây cũng là dịp tôi muốn bày tỏ lời cám ơn với vợ, với con cháu, với bạn hữu cũng như nhiều thế hệ học trò của tôi. Có họ, tôi thấy mình sống thật ý nghĩa, viên mãn trong quá trình cho - nhận yêu thương, chia sẻ tình yêu giữa cuộc đời này”...

QUỲNH NHƯ