Lễ hội rằm tháng giêng: Sẽ để lại dấu ấn đẹp trong lòng du khách
Hôm nay (11-2, nhằm ngày 15 tháng Giêng âm lịch), tại Bình Dương sẽ diễn ra Lễ rước cộ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu qua các con đường chính của phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, tổ chức thường niên vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Lễ hội năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần nên dự kiến sẽ thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến để được chiêm ngưỡng kiệu Bà, cầu mong may nắm, bình an trong năm mới.
(BDO)
Du khách viếng chùa Bà Thiên Hậu trưa ngày 14 tháng giêng âm lịch. Ảnh: THIÊN LÝ
Khoảng 20.000 người cùng rước cộ Bà
Tại chùa Bà Thiên Hậu, để được tận mắt chứng kiến nghi lễ rước kiệu Bà kéo dài nhiều cây số đi qua một số tuyền đường chính ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một vào hôm nay, ngay từ hôm qua (ngày 14 tháng Giêng âm lịch), du khách các tỉnh đã đến Bình Dương khá đông. Theo ông Trần Vĩnh An, Phó Ban thường trực Ban tổ chức Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, trong ngày 14 âm lịch, du khách viếng chùa rất đông, nhiều người ở lại qua đêm đến ngày 15 để được tham gia rước cộ Bà. Riêng lễ rước cộ Bà năm nay rơi vào ngày thứ bảy nên lượng khách ước khoảng khoảng 20.000 người. Với lượng khách đông, đảm bảo cho đoàn rước cộ đi đúng lộ trình, Ban tổ chức Lễ hội chùa Bà đã được hỗ trợ từ phía Công an tỉnh, Công an TP.Thủ Dầu Một, lực lượng dân quân và lực lượng bảo vệ của các công ty bảo vệ do Ban tổ chức hợp đồng để phân luồng giao thông, làm hàng rào cho đoàn rước cộ đi qua.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, sáng nay (15 tháng Giêng âm lịch) có Lễ đấu giá thánh đăng trong khuôn viên chùa Bà. Năm nay, lễ đấu giá 9 lồng đèn có tên Thuận buồm xuôi gió, Kim ngọc mãn đường, Vạn sự thắng ý, Mua may bán đắt, Tứ quý hưng long, Thánh mẫu ban phước, Tài nguyên quảng đường, Hợp gia bình an, Ngũ phước lâm môn. Tất cả các lồng đèn đều chung một ý nghĩa cầu bình an, năm mới làm ăn phát đạt, với giá khởi điểm là 16,8 triệu đồng/lồng đèn. Tham gia đấu giá có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo Ban tổ chức lễ hội, số tiền đấu giá trên sẽ gây quỹ dành cho việc dạy và học tiếng Hoa ở trường Hoa văn Bồi Anh, tức trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP.Thủ Dầu Một).
Đúng 15 giờ hôm nay, Lễ rước cộ Bà Thiên Hậu sẽ diễn ra với sự tham dự của đông đảo du khách, người dân. Dẫn đầu đoàn rước cộ sẽ là cờ Tổ quốc, sau là cờ lệnh và đoàn rước kiệu của 4 bang người Hoa, 30 đoàn lân - sư - rồng, đoàn cà kheo, đoàn tiên nữ, xe hoa… Đúng với lộ trình, kiệu Bà tuần du qua các con đường: Nguyễn Du - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Đoàn Trần Nghiệp - Hùng Vương - Cách Mạng Tháng Tám rồi quay về đường Nguyễn Du để đưa Bà trở lại chùa và kết thúc lễ hội. Tiếng trống, nhạc rộn rã với các tiết mục biểu diễn của các đoàn lân - sư - rồng làm cho không khí các tuyến đường đoàn rước cộ đi qua thêm sôi động.
Ông Trần Chánh Ngôn, đến từ Bình Phước nói, năm nào cũng vậy, để xem rước cộ Bà, gia đình ông đã đến Bình Dương từ ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Đến sớm ngoài việc đi viếng các chùa, miếu trong tỉnh Bình Dương, gia đình ông còn thưởng thức món ăn, tham quan các khu di tích của tỉnh.
Đẹp lòng du khách
Năm nay, ngoài việc du khách được chiêm ngưỡng tượng Bà, Ban tổ chức Lễ hội chùa Bà còn bố trí thêm nhiều đoàn lân - sư - rồng, đoàn cà kheo, những đoàn người mô phỏng hình tượng Tề Thiên Đại Thánh và đàn khỉ con, ông Địa, Thần tài… biểu diễn phục vụ du khách trong lúc rước cộ Bà.
Người dân phát nước miễn phí cho du khách
Song song các hoạt động của Ban tổ chức Lễ hội chùa Bà, thể hiện lòng hiếu khách của người dân Bình Dương, trên nhiều tuyến đường hướng vào chùa Bà những hình ảnh đáng yêu và nhân văn như điểm tặng nước, khăn lạnh, bánh mì, cơm, giữ xe miễn phí… cũng xuất hiện. Cùng đồng hành với bà con trong dịp rằm tháng giêng này, bà Lê Thùy Trang (phường Hiệp Thành, TP.TDM), một nhà hảo tâm cũng đã thông qua Đoàn thanh niên phường Phú Cường phát 15.800 chai nước suối miễn phí. Những “trạm tiếp tế” miễn phí đều tận tình mời khách đi viếng chùa dùng nước, thức ăn miễn phí. Được biết, những điểm dừng chân miễn phí đều do người dân phục vụ khách thập phương. Những nụ cười, những dòng chữ miễn phí biến thành cơn gió mát lạnh giữa một ngày nắng nóng, khi mọi người phải chen chân để đến xem lễ rước cộ Bà. “Tôi rất ấn tượng với Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương, nhất là Lễ rước cộ Bà Thiên Hậu. Đến chùa Bà xin lộc tình trạng an ninh trật tự được bảo đảm. Đặc biệt, giá cả các dịch vụ ăn theo lễ hội cũng không quá cao so với các nơi khác. Người dân Bình Dương còn rất nhiệt tình giúp đỡ, chỉ đường, phát đồ ăn, nước uống cho du khách. Do đó, hành hương đến Bình Dương tôi cảm thấy rất yên tâm”, bà Nguyễn Ngọc Lan, đến từ TP.Hồ Chí Minh nói.
Cũng trong ngày này, các chùa Bà tại Bưng Cầu (TP. Thủ Dầu Một), Lái Thiêu (TX. Thuận An) cũng sẽ tổ chức lễ rước cộ Bà. Cộ Bà được đưa qua các con đường chính với sự hộ tống của đoàn lân - sư - rồng, tiên nữ, xe hoa… Nhiều người tham dự lễ hội tin rằng, ngắm được Thiên Hậu Thánh Mẫu trong năm sẽ gặp nhiều may mắn, bình an. Ngoài ra, nơi đoàn cộ đi qua, người dân hai bên đường làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.
Trước đó, Lễ hội Rằm tháng Giêng trên địa bàn tỉnh còn có điểm mới là Lễ rước cộ Bà tại chùa Bà TP.Mới Bình Dương. Lễ hội đã thu hút khá đông du khách tham dự. Đây cũng là hoạt động giới thiệu TP.Mới Bình Dương đến với du khách thập phương. Ngoài ra, tại huyện Dầu Tiếng cũng có Lễ hội Hoa đăng và rước Cộ Bà Thiên Hậu với các nghi thức như: cúng lễ Bà Thiên Hậu tại miếu Bà; thỉnh lồng đèn cầu phúc, lộc; múa lân - sư - rồng, ca nhạc cổ truyền; thỉnh rước cộ Bà diễu hành vòng quanh trung tâm thị trấn Dầu Tiếng.
Song song đó, tại các ngôi chùa như chùa Hội Khánh, Tây Tạng (TP.Thủ Dầu Một), chùa núi Châu Thới (TX.Dĩ An), chùa Thới Sơn Núi Cậu (Dầu Tiếng) cũng là lựa chọn của du khách trong, ngoài tỉnh đến cầu bình an. Bảo đảm an ninh trật tự cho du khách, ban trị sự các chùa đã phối hợp với địa phương nơi chùa trú đóng rà soát giá cả, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, dẹp nạn bói toán… Trước những nỗ lực đó của ban trị sự và địa phương đã làm đẹp lòng du khách viếng chùa.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, Lễ hội Rằm tháng Giêng là hoạt động thường niên. Lễ hội không chỉ là hoạt động tâm linh của người dân và du khách các tỉnh đến với Bình Dương mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh tỉnh nhà. Do đó, công tác tổ chức lễ hội ở TP.Thủ Dầu Một nói riêng, các địa phương khác trong tỉnh phải được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, các hoạt động thiết thực, tiết kiệm, văn minh. Làm được điều đó sẽ ghi dấu ấn đẹp trong lòng du khách khi nhắc đến Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, lượng khách đến chùa Bà Thiên Hậu đông nên Ban chỉ đạo Lễ hội Rằm tháng Giêng TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các ngành thực hiện nghiên túc các nhiệm vụ để bảo đảm lễ hội diễn ra văn minh, trật tự. Cụ thể, trong ngày 15 tháng Giêng âm lịch, công an, dân quân và lực lượng quân đội tăng cường 600 người chốt chặn các tuyến đường, bảo đảm an ninh trật tự. Phòng quản lý thị trường TP.Thủ Dầu Một kiểm tra giá cả các điểm giữ xe, hàng quán không để tình trạng du khách bị “chặt chém. Phòng y tế kiểm tra nhanh thực phẩm được bày bán và phát đồ ăn từ thiện để không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm… Ban chỉ đạo Lễ hội Rằm tháng Giêng thành phố hy vọng sẽ đem lại sự hài lòng cho du khách khi hành hương đến với các chùa, miếu trong TP.Thủ Dầu Một.
THIÊN LÝ - NHI PHẠM