Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024: Nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn

Thứ hai, ngày 17/06/2024

(BDO) Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 với chủ đề “Lái Thiêu mùa hẹn” do tỉnh tổ chức đã được khai mạc vào tối 15-6 tại phường Hưng Định, TP.Thuận An. Đến với lễ hội, ngoài tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn, hàng ngàn lượt người từ khắp nơi cũng đã hòa mình vào không gian hội chợ ẩm thực - du lịch để cùng thưởng thức, cảm nhận vị ngon ngọt, đậm đà của các loại trái cây nổi tiếng vùng đất Lái Thiêu cũng như của các huyện, thành phố trong tỉnh và một số tỉnh, thành bạn.

Sôi nổi các hoạt động

Một trong những hoạt động trong không gian lễ hội năm nay thu hút rất đông người tham gia, đến xem và cổ vũ trong ngày 15-6 vừa qua là giải việt dã “Cung đường mùa trái chín”. Với gần 3.000 vận động viên tham gia, giải việt dã đã mang đến một không khí tranh tài đầy hấp dẫn, làm cho không gian Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay thêm sôi động, ý nghĩa hơn.

Lộ trình thi đấu được Ban Tổ chức chọn là các cung đường có nhiều vườn cây xanh mát trên địa bàn phường Hưng Định, phường An Thạnh và xã An Sơn. Băng qua những cung đường này, các vận động viên không chỉ có dịp trải nghiệm không khí trong lành, mát mẻ trên đường chạy, mà còn được thưởng thức những món trái cây miệt vườn cùng những ly nước mát lành từ sự phục vụ nhiệt tình của các cô gái duyên dáng trong chiếc áo bà ba truyền thống Nam bộ. Anh Trương Văn Tâm, đến từ Câu lạc bộ chạy bộ Bình Dương, cho biết đến đây cùng giao lưu, tranh tài với nhiều vận động viên nên cảm thấy rất vui. Anh mong giải sẽ được Ban Tổ chức duy trì hàng năm để các vận động viên như anh có dịp tham gia.

Du khách tham quan, mua trái cây tại các gian hàng trong không gian Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024. Ảnh: HỒNG THUẬN

Từ chiều ngày 15-6, khu vực hội chợ trái cây và liên hoan ẩm thực - du lịch với chủ đề “Ngọt ngào phương Nam” trong không gian lễ hội đã đón rất đông khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức những loại trái cây ngon, món ăn đặc sản của các địa phương. Các gian hàng chất đầy các loại trái cây, như: Măng cụt, sầu riêng, mít, bưởi, cam, quýt, chuối, dưa lưới… cùng các sản phẩm chế biến từ trái cây, món ăn đặc sản đến từ các địa phương, các đơn vị kinh doanh ẩm thực. Khách đến tham gia lễ hội không chỉ tham quan tìm hiểu, mà còn thưởng thức tại chỗ, mua về làm quà.

Sau bao ngày chờ đợi, người dân và du khách gần xa đã chính thức bước vào mùa Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 bằng lễ khai mạc vào tối 15-6 vừa qua. Thông qua chương trình sân khấu hóa với chủ đề “Hương sắc Bình Dương”, với 3 phần chính: “Bình Dương đất ấm - tình người”, “Lái Thiêu mùa hẹn” và “Bình Dương ngời sáng tương lai”, chương trình sân khấu hóa đã mang lại cho người xem những cung bậc cảm xúc khác nhau, đọng lại trong mỗi người là tình yêu sâu sắc đối với vùng đất, con người Bình Dương.

Ngoài tỉnh Bình Dương là đơn vị chủ nhà, hội chợ có còn sự tham gia của các tỉnh, thành khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ, như: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng cùng gần 50 tổ chức, cá nhân kinh doanh ẩm thực, trái cây, nhà vườn. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết hội chợ không chỉ là không gian giới thiệu, quảng bá các vườn cây ăn trái, sản phẩm từ trái cây, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, ẩm thực, mà còn là dịp để các địa phương, tổ chức, cá nhân thúc đẩy liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng vườn cây. Đây cũng là nơi giao lưu của các nhà vườn, tôn vinh giá trị văn hóa vùng miền, các sản vật của địa phương...

Hướng đến sự phát triển bền vững

Bình Dương được cả nước biết đến không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng năm xưa với các địa chỉ đỏ, như: Chiến khu Đ, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Thuận An Hòa, mà còn được biết đến với những đặc sản nổi tiếng, như: Măng cụt Lái Thiêu, bánh bèo Mỹ Liên. Đặc biệt, trái măng cụt được trồng trên vùng đất Lái Thiêu đã được nhiều người đánh giá ngon và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2013.

Trên địa bàn TP.Thuận An hiện nay vẫn còn nhiều vườn trồng măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon… tại các phường như Hưng Định, An Thạnh, Bình Nhâm, xã An Sơn. Một số hộ dân còn đưa vườn cây vào khai thác phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi trải nghiệm của khách gần xa. Đặc biệt, vào mỗi mùa trái cây chín (khoảng tháng 5 âm lịch), khách từ các nơi tìm về những vườn cây này rất đông. Đây là tiền đề để các địa phương trên tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới, đặc biệt là về du lịch sinh thái.

Khu ẩm thực trong không gian lễ hội thu hút rất đông người dân, du khách đến trải nghiệm

Nhằm tôn vinh các loại cây ăn trái đặc sắc của địa phương và các vùng miền lân cận, năm nay Lễ hội “Mùa trái chín” được tỉnh quan tâm tổ chức ngay trên vùng đất Lái Thiêu cây xanh, trái lành. Việc tổ chức lễ hội cũng nhằm hướng đến đến mục tiêu phát triển “tam nông” bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác sâu rộng, bao trùm toàn diện, hiệu quả bền vững”, đưa du lịch sinh thái thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Phát biểu khai mạc Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đề nghị các hộ dân có vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực cùng các cấp chính quyền duy trì, phát triển vườn cây trái đặc sản của địa phương. Người dân cần chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, đổi mới hình thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, góp phần giữ gìn và xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhiệt tình, mến khách để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với vùng đất Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

HỒNG THUẬN