Lễ hội Đền Hùng - Một vùng đất, hai di sản
Trong những ngày này, đồng bào ta khắp nơi trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài đều hướng về Phú Thọ, nơi đang diễn ra lễ Giỗ Tổ các vua Hùng. Lễ Giỗ Tổ năm nay càng thêm ý nghĩa khi cùng với hát Xoan, hồ sơ di sản Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã được gửi tới UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương: Di sản có một không hai
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước với niềm tin cả dân tộc có cùng chung một giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ). Bởi thế, hàng ngàn năm qua, lễ Giỗ Tổ được tổ chức đều đặn vào ngày mùng 10-3 Âm lịch. Chẳng biết tự bao giờ, câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” đã trở nên thân thuộc trong mỗi người dân Việt.
Phường Xoan Phù Đức (Việt Trì, Phú Thọ) thu hút sự tham gia nhiệt tình của giới trẻ.
Trong những ngày này, không chỉ người Việt Nam ở trong nước đều hướng về đất Tổ mà cả kiều bào ta ở nước ngoài cũng có những hành động thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Sự đoàn kết đồng lòng, chung niềm tin ấy đã hình thành nên Tín ngưỡng thờ Hùng Vương.
“Sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đến với di tích thờ Hùng Vương như đến bên bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa nhà là nước, nước cũng là nhà và ước nguyện của mỗi người cũng là ước nguyện của dân tộc. Do đó, tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa” - đó là một nhận xét trong hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ hoàn thiện trước thềm lễ hội Đền Hùng 2011 và đã được gửi đến UNESCO ngày 29-3.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Ngày 10-4, các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).
Về quá trình xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho biết Ban xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã tiến hành 2 đợt kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương tại hơn 200 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 12 huyện, thành, thị xã tỉnh Phú Thọ; thực hiện việc ghi hình, chụp ảnh để tư liệu hóa tư liệu sưu tầm; mua tư liệu ảnh, làm sách “Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương”; điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đồng thời đã vận động hồ sơ lần 1 tại Kenya.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, khẳng định: Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng, mang tính tâm linh thống nhất của quốc gia. Dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam rất may mắn có một biểu tượng như thế làm chỗ dựa niềm tin trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Đây là giá trị độc đáo ẩn chứa trong lễ hội Đền Hùng, không nước nào trên thế giới có được.
Hát Xoan: Hành trình trở thành di sản thế giới
Hát Xoan còn có tên “Khúc môn đình”, là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Đây là một loại hình dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng, có hình thức nghệ thuật đa yếu tố, gồm cả nhạc, hát, múa, nằm trong thành phần các trò diễn hội làng.
Phú Thọ là vùng đất gốc nơi phát tích hát Xoan. Nơi đây hiện có 4 phường Xoan được thành lập theo quyết định của Sở VH-TT-DL đang hoạt động tại thành phố Việt Trì, đó là phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét, phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đái. Cùng đó còn có 3 đội hát Xoan tự thành lập ở huyện Lâm Thao và Phù Ninh.
Hiện cả vùng đất Tổ cũng chỉ còn có 69 nghệ nhân hát Xoan (từ 60 tuổi trở lên), trong đó chỉ còn 49 người có khả năng còn hát được Xoan; 81 người tham gia các phường Xoan, trong đó chỉ có 8 nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy. Di tích hát Xoan có ở 30 cửa đình, trong đó 13 di tích đã được bảo tồn tôn tạo đảm bảo môi trường diễn xướng hát Xoan, 2 di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã mất hoàn toàn không còn không gian diễn xướng.
Hát Xoan là một di sản văn hóa độc đáo và có giá trị, tuy nhiên di sản này đang đứng trước nguy cơ thất truyền, cần có biện pháp bảo vệ một cách nghiêm túc để thế hệ mai sau được hưởng một trong những tài sản tinh thần quý giá của ông cha. Nhận thức được ý nghĩa đó, năm 2010, hồ sơ hát Xoan đã được gửi đến UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo đúng lộ trình, năm nay, hồ sơ hát Xoan sẽ được xem xét và công nhận.
Đất Tổ - mảnh đất gìn giữ dấu ấn cội nguồn của dân tộc, thêm tự hào còn là mảnh đất lưu giữ hai di sản: Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và hát Xoan.
Theo SGGP