Lễ chùa đầu năm: Nét đẹp và những biến tướng

Chủ nhật, ngày 13/02/2011

Đã thành thông lệ, năm nào cũng cứ độ ra giêng, người dân TPHCM và các tỉnh lại nhộn nhịp rủ nhau đi lễ chùa. Họ đi để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới cho gia đình và người thân, chúc cho nhau những điều tốt lành: cầu an, chúc phúc, chúc nhau phát tài… Đây cũng là một nét văn hóa khá độc đáo của người Việt nói chung và người dân Nam bộ nói riêng từ nhiều năm nay.

Nét đẹp văn hóa lâu đời

Thật ra, người dân đã bắt đầu đi lễ viếng chùa ngay từ những ngày đầu năm mới Tân Mão, khởi hành ngay từ đêm giao thừa. Tuy nhiên, để cảm nhận được không khí đi lễ viếng chùa thực sự thì phải đến ra giêng. Ngoài những ngôi chùa lớn ở TPHCM, người dân TP và các tỉnh thường chọn hành hương đầu năm đến các nơi như: chùa Bà ở Tây Ninh, chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang hay lễ chùa trên núi Gia Lào ở Bình Thuận…

Người dân đi lễ chùa đầu năm cầu an.

Ngay mùng 4 Tết, gia đình chị Lê Thị Thanh Thủy ở quận Gò Vấp đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để viếng chùa Bà ở Tây Ninh. Trời vừa mờ sáng, cả gia đình hơn chục người nhà chị đã lỉnh kỉnh tay xách nách mang nào nhang đèn, trái cây, bánh mứt… sẵn sàng khởi hành. “Gia đình chúng tôi cũng sẽ đi lễ viếng chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc vào dịp rằm tháng giêng này”, chị Thủy cho biết thêm.

Giống như chị Thủy, chị Nguyễn Ngọc Mai, ở huyện Dĩ An (Bình Dương) cũng xếp lịch đi viếng chùa Bà Tây Ninh sau đó xuôi về miền Tây viếng Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc với hành trình 3 ngày. Chị Mai bộc bạch, năm qua công việc làm ăn của đại gia đình chị gặp nhiều thuận lợi, gia đình yên ấm, các con ngoan và học giỏi. Chị muốn viếng chùa xin lộc đầu năm để cảm ơn trời Phật, cầu mong những điều tốt lành lại đến với gia đình.

“Viếng chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được điều này, giúp chúng biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung những kiến thức về lịch sử địa lý”, chị Mai nói.

Những biến tướng đáng buồn

Chúng tôi đến miếu Bà Ngũ Hành (người dân còn gọi chùa Bà Châu Đốc 2) ở huyện Nhà Bè, hình ảnh không khác hơn mọi năm, đội quân ăn xin nằm ngồi nhếch nhác dọc đoạn đường khá dài dẫn vào khu vực thờ cúng. Cánh ăn xin còn bám theo đội quân bán vé số dạo, thường xuyên đeo bám, chèo kéo du khách, vừa mời mua vé số vừa xin tiền khách… làm phúc đầu năm.

Một ông chừng 50 tuổi, mặc bộ bà ba trắng kéo tay mời chào chúng tôi: “Xem một quẻ đầu năm đi em, để biết tình duyên bổn mạng, gia đạo, tài lộc cả năm”. Dạo một vòng khu vực miếu, chúng tôi đếm không dưới chục người hành nghề kiểu này.

Bước vào khuôn viên miếu Bà, rác xả khắp nơi, khói nhang nghi ngút. Đã có tấm bảng thông báo chỉ được cầm 1 cây nhang vào gian thờ Ngọc Hoàng để lễ bái, nhưng khá nhiều người thiếu ý thức vẫn cố mang cả bó nhang ngút khói chen lấn ngay lối cầu thang. Dù lực lượng bảo vệ, chăm sóc miếu khá đông nhưng cũng không xử lý xuể.

Người dân đi lễ chùa đầu năm và phóng sinh chim ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Tại chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10), chưa kịp vào bên trong chùa, nhóm chúng tôi đã bị đội ngũ bán nhang đèn, đồ lễ cúng, sách tử vi tướng số vây quanh, chèo kéo, tranh giành. Thấy khách bỏ đi, những nhóm người này quay sang chửi nhau ỏm tỏi. Khắp các ngả vào chùa, không ít người ăn xin ngồi nằm lê lết góp phần tạo nên cảnh hỗn loạn, mất trật tự và kém vệ sinh nơi đây.

Một vòng các ngôi chùa tại TP, chúng tôi còn bắt gặp những hình ảnh thiếu mỹ quan, nhếch nhác của đội quân ăn xin, bán hàng rong, xả rác bừa bãi mất vệ sinh ở chùa Một Cột (quận Thủ Đức), chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi (quận 3).

Riêng chùa Vĩnh Nghiêm, nơi thu hút hàng ngàn lượt khách lễ bái mỗi ngày cũng tập trung các quầy bán sách bói toán, tướng số và đội ngũ coi bói, xem tử vi “di động” nhiều nhất. Ngay mặt tiền, hàng chục quầy sách tử vi với cả đội quân hùng hậu cả trăm người công khai chèo kéo khách đi đường.

Chùa Phước Long nằm trên một cù lao giữa sông Đồng Nai thuộc quận 9, người dân gọi là chùa Bà Châu Đốc 3, có tiếng linh thiêng nên lúc nào cũng nườm nượp khách. Muốn đến chùa, khách phải đi đò. Một đò chở được 40 khách, nhưng những ngày sau tết số lượng khách luôn quá tải. Chuyến đò của chúng tôi chở 45 người, chưa kể 3 trẻ em. Vừa rời bến, anh lái đò vội tấp vào khiến mọi người nhao nhao. Anh này giải thích: “Chờ vài phút cho tàu tuần tra đi qua cái đã. Họ kiểm tra là bị phạt liền đó”. Chúng tôi thở phào, nhưng trong lòng cứ lo canh cánh.

Ngay bến sông, sau khi thả cá phóng sinh, khách quăng luôn bịch ni lông và đủ thứ rác xuống lòng sông. Chùa Phước Long đang trùng tu, xây dựng, ngổn ngang các công trình, vật liệu lại thêm cảnh buôn bán nhộn nhạo đã khiến nơi này mất hẳn vẻ tôn nghiêm.

Ông Hùng, giám đốc một công ty xây dựng lớn ở TPHCM, năm nào cũng đón thầy từ Hà Nội vào để cúng. Ông bảo, công ty của ông làm ăn phát đạt cũng chính là nhờ ông thầy giỏi!? Cùng tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng” nên năm ngoái, Hòa (ở quận Phú Nhuận) đã đi Nha Trang tìm đến tận nhà của một thầy để xem quẻ đầu năm.

Đi lại tốn kém đã đành, cả năm Hòa còn mất ăn mất ngủ chỉ vì thầy phán nhà Hòa sẽ có tang, còn anh thì gặp tai nạn. Thầy bảo: “Rằm thầy đi cúng ở một ngôi chùa tại Phan Rang. Nếu sắp xếp đi cùng thầy được thì tốt, còn không thì gửi 15 triệu, thầy sẽ cúng giúp, đảm bảo sẽ tai qua nạn khỏi”.

Thực tế đã chẳng có chuyện gì xảy ra như thầy phán. Cả năm trời gặp lại, hỏi Hòa đi nữa không, anh cười: “Cạch đến già!”

Theo SGGP