Lấy và bỏ phiếu tín nhiệm: Củng cố thêm niềm tin của cử tri
Sau phần trình bày của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013, ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội (QH) đã nghe báo cáo một nội dung quan trọng là dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, Hội đồng Nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Nội dung cơ bản của việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm được xem như thước đo và căn cứ là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với từng chức danh cụ thể, kể cả tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm không phải là chuyện mới nhưng để có một nghị quyết hẳn hoi thì chắc chưa có tiền lệ. Theo báo cáo, việc xử lý và sử dụng kết quả lấy và bỏ phiếu tín nhiệm được quy định cụ thể: Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức, hoặc bị phê chuẩn miễn nhiệm. Đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu QH hoặc HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ lấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần hai, đồng thời cơ quan thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế. Đối với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.
Có thể nói, nội dung, quy định của nghị quyết này rất chặt chẽ, dựa trên những căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tính hợp hiến và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh ở các cơ quan dân cử được xem là một kênh quan trọng để “đo lường” tín nhiệm và “đo lường” niềm tin của cử tri đối với người mình đặt niềm tin bầu ra và đối với cả chính quyền. Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ có ý nghĩa nếu được tiến hành thường xuyên với quy trình chặt chẽ và kết quả phải được công khai cho toàn thể cử tri biết. Điều đó nói lên rằng, người giữ chức danh ở cơ quan dân cử, dù ở cơ quan quyền lực tối cao cũng phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Không cần bàn luận, việc thực hiện lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đang được dư luận và người dân đồng tình. Nếu nghị quyết này đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Người có tài, có đức, luôn đề cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công sẽ được trọng dụng; ngược lại, người có “tín nhiệm thấp” sẽ khó tại vị và cũng nên làm quen với cụm từ “văn hóa từ chức”. Đương nhiên như vậy.
NHẬT HUY