Lấy sự hài lòng làm thước đo
(BDO) Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Bình Dương đạt được những kết quả đáng tự hào, được đông đảo người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Theo kết quả công bố Chỉ số SIPAS năm 2022, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương đạt 85,52%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 18 bậc so với năm 2021...
Tỉnh luôn xem công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Vì thế, trong những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương của tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ CCHC, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, lấy sự hài lòng để làm thước đo hiệu quả trong CCHC. Mới đây, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp về chủ đề kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá trong những năm qua, chất lượng CCHC tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh không ngừng được cải thiện, tạo nền tảng quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Hiện, tỉnh đã triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 tại tất cả 91 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tích hợp chức năng theo dõi tiến độ nộp, xử lý hồ sơ trên ứng dụng Bình Dương số cho người dân theo dõi tiện lợi và ứng dụng Chính quyền số để cán bộ, công chức theo dõi xử lý hồ sơ kịp thời. Từ đầu tháng 6-2023, Bình Dương đã tiến tới bước không nhận hồ sơ giấy trong giải quyết TTHC. Nếu trước đây muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì nay ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet. Từ đó, giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các TTHC...
Tuy vậy, thời gian qua, việc thực hiện các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, như: Xảy ra lỗi truy cập, người dân còn lúng túng khi kê khai các thông tin trên môi trường mạng, một số thông tin cá nhân chưa được cập nhật giữa các nhà mạng và thẻ căn cước công dân nên không thể hoàn thành các bước theo quy định... Để kịp thời khắc phục những bất cập từ thực tế, qua giám sát và chất vấn về chủ đề kết quả giải quyết TTHC, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ thực hiện công tác chuyển đổi số, tinh gọn các thủ tục, biểu mẫu, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền... nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương
K.TÂN