Lấy người dân làm chủ thể trong chuyển đổi số
(BDO)
Để góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS, tỉnh cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác CĐS
Dân cần biết, cần hiểu
Thời gian qua, thực hiện các chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, kế hoạch UBND tỉnh, các cấp các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch tăng cường tuyền truyền về CĐS trong các lĩnh vực, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng, thanh toán trực tuyến… Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, người dân còn hiểu rất ít về CĐS, thụ động trong cách tiếp cận và giải pháp hành động. Đây là vấn đề đặt ra cho chính quyền các cấp phải có giải pháp đồng bộ hơn trong công tác tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn người dân cách thức, biện pháp thực hiện trong CĐS.
Qua khảo sát, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị tỉnh cần khảo sát, đánh giá tỷ lệ người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp có điện thoại di động, thuê bao chính chủ, tài khoản dịch vụ công trực tuyến, chứng thư số, tài khoản ngân hàng… Đây là cơ sở cho quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và CĐS thành công. |
Ông Nguyễn Toàn Khánh, ngụ phường An Thạnh, TP.Thuận An, chia sẻ: “Hôm rồi, tôi có lên Cổng dịch vụ công của tỉnh thực hiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhưng làm hoài không xong, nộp hồ sơ bị trả lại do hệ thống báo lỗi. Muốn điện thoại để hỏi cần gì, nộp ra sao cho đúng thì gọi số đường dây nóng không được. Tôi kiến nghị, tỉnh cần xây dựng các số điện thoại tư vấn cho người dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để tư vấn các bước quy trình và hồ sơ cụ thể cần gì. Ví dụ, tôi cần làm giấy phép xây dựng cần biểu mẫu gì, thực hiện các bước ra sao, nộp cho ai?... Đây là cách làm hiệu quả nhất để tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho người dân”.
Ông Trần Hùng Anh, chủ doanh nghiệp ở TX.Bến Cát, cho hay ông đã đi làm TTHC nhiều lần. Nhà nước đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến nhưng trong thực tế tại bộ phận “một cửa” các cấp chưa đồng bộ nên ông chủ yếu trả phí bằng tiền mặt. Ông đề nghị, muốn khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt hệ thống ngân hàng, các cơ quan chuyên môn phối hợp làm đồng bộ, có giải pháp khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến như giảm phí chuyển khoản bằng không đồng hoặc thanh toán trực tuyến nhiều lần được giảm phí…
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ
Một trong các giải pháp quan trọng nhất của tỉnh hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) chuyên nghiệp, đáp ứng thời kỳ 4.0. Nhìn chung, toàn tỉnh đã xây dựng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp các cấp các ngành. Cụ thể năm 2022, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt CBCC. Tuy nhiên, thực tế vẫn nổi lên các tồn tại, hạn chế, như: Trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin ở CBCC tất cả các cấp các ngành chưa đồng bộ, điều này hạn chế trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hơn nữa, hiện nay, nguồn lực con người ở các cấp chính quyền chưa được bảo đảm, nhất là các địa phương đông dân cư của tỉnh, như: TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên.
Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉn h, cho rằng: “Trong CĐS, gần đây chúng ta chỉ khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp nhưng chưa khảo sát sự hài lòng của CBCC khi làm công việc đó có khó khăn ra sao, thu nhập có đủ sống không? Áp lực công việc?… Tất cả những thứ này, chúng ta cần phải nhìn nhận lại để kiến nghị Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù cho tỉnh phát triển công nghiệp mạnh mẽ như Bình Dương. Cụ thể là tăng biên chế cho tỉnh. Song song đó, tỉnh cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ CBCC làm những công việc bị nhiều áp lực ở các vùng đông dân tạm trú của tỉnh, vì thực tế một đơn vị cấp xã trên 100.000 dân thì phát sinh rất nhiều thứ, áp lực lớn trong giải quyết công việc hành chính và công tác an sinh xã hội…”, ông Thành chia sẻ.
Trong đợt khảo sát mới đây của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã rút ra nhiều điều rất quan trọng để kiến nghị tỉnh tăng cường giải pháp CĐS thành công. Cụ thể là đề nghị tỉnh tiếp tục sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình sắp xếp bộ máy phù hợp riêng cho chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn. Song song đó, cần có chính sách thí điểm liên quan đến cải cách hành chính và CĐS thật sự đem lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Trung ương ban hành cơ sở pháp lý cho các mô hình đang thực hiện, trong đó có kiến nghị cơ chế đặc thù cho tỉnh phát triển công nghiệp, xây dựng các chính sách cho các đối tượng phục vụ công tác cải cách hành chính; CBCC tham mưu cải cách hành chính và CĐS…
HỒ VĂN - NGUYỄN HIẾU