Lấy gì thế chấp để đi vay?
Giảm lãi suất (LS) là hy vọng lớn nhất của doanh nghiệp (DN) trong suốt thời gian vừa qua. Nghịch lý là, tuyên bố giảm LS huy động xuống 9% của Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại Quốc hội lại không mang đến sự lạc quan cho hầu hết DN.
Lý do, các DN từ 2010 đến nay đã chịu bao nhiêu sóng gió của ảnh hưởng chung nền kinh tế thế giới, mọi tài sản của DN đều thế chấp vay NH, hàng hóa sản xuất thì tiêu thụ kém, tồn kho cao; bây giờ đi vay, lấy gì thế chấp?; đó là chưa kể làm sao để thanh toán nợ cũ LS cao để có thể vay mới LS thấp hơn? Do vậy, nhiều ý kiến từ DN cho rằng LS giảm chỉ là một mặt của vấn đề trì trệ. Bài toán lạm phát và công ăn việc làm mới là quan trọng. DN phải đầu tư, nhưng đầu tư với hệ số Icor (hệ số sử dụng vốn - Incremental Capital - Output Rate) cao ngất ngưởng thì giải quyết được cái nhất thời, còn sau đó chi phí khấu hao cao, giá thành lớn thì hàng làm ra bán sẽ không ai mua.
Phải chăng, nói như nhiều ý kiến đề xuất thời gian qua của DN, việc cần thiết và khẩn cấp là Nhà nước nên quy định mức trần cho vay để làm thế nào DN có thể vay vốn để sản xuất. Còn việc quy định mức huy động vốn là để tự các ông chủ NH điều chỉnh phù hợp theo bài toán kinh tế của họ.
Biện giải cho đề xuất trên: LS huy động giảm liên tục trong tháng 5-2012, nhưng tình trạng DN phá sản, đình đốn, ngưng hoạt động vẫn tiếp tục. Nếu lãi vay thực sự giảm, DN thực sự tiếp cận được vốn rẻ hơn, họ có thể chưa hồi sinh, nhưng ít nhất cũng phải “trụ” lại được mới phải? Tại sao “sức khỏe” của DN, của nền kinh tế vẫn yếu đi? Điều đó đưa đến một thắc mắc khác: Phải chăng giảm LS huy động, để các NH có thêm dư địa kiếm lợi nhuận khi giá vốn đầu vào thấp hơn. Còn lãi vay, giảm hay không vẫn do họ quyết định. Những DN thuộc diện ưu đãi vay với LS thấp thì vướng rào cản về “điều kiện” vay vốn. Nên ưu đãi là một chuyện, vay được hay không lại là chuyện khác; DN ở ngoài diện này thì phải chấp nhận LS cao. Chính điều ấy nên mới có nghịch lý, NH ứ vốn trong khi DN thì chết vì đói vốn!
“Nếu chúng ta thực sự muốn hạ lãi vay, muốn cứu DN, tại sao không cho phép điều chỉnh lãi vay ngay tại các hồ sơ cũ để hỗ trợ họ? NH đang ứ vốn, sao không mở rộng tối đa các đối tượng vay ưu đãi và áp trần lãi vay mới 12%, thậm chí thấp hơn?”, nhiều DN đặt vấn đề như vậy.
Ngoài ra còn có một băn khoăn, với chất lượng tín dụng đi xuống như hiện nay, lẽ tự nhiên các NH phải tăng dự phòng, điều này làm tăng chi phí vốn và LS đầu ra. Nếu cho vay với LS thấp thì các NH sẽ thực lỗ nên các ông chủ nhà băng đành... “vừa hô khẩu hiệu vừa giữ chặt tiền”.
NGUYỄN PHÚC